Christmas 2022 Đường về Bethlehem


                                      Đ  Ư  Ờ  N  G     V  Ề     B  E  T  H  L  E  H  E  M

 

                                                                                                                                                PHƯƠNG  TUẤN

 

 

          Ngày  hôm nay ngồi viết lại  cuộc hành trình của Đức Mẹ Mary và thánh Giuse để thấy nó gian nan làm sao. Và vì sao phải về Bethlehem?

 Có giáo sử viết vào ngày 8 tháng 3 năm thứ 8  B.C. (?)  hoàng đế Augustus Caesar ra lệnh tất cả các nước thuộc đế quốc La Mã  phải cho dân chúng về quê mình để khai dân số, để chính phủ dễ dàng biết dân số bao nhiêu để lấy thuế. Và thời gian khai dân số có thể là hai năm, vì phương tiện giao thông và đường đi vất vả.  Không ai biết tại làm sao Đức Mẹ và thánh Giuse phải chờ đến ngày Đức Mẹ cận ngày sinh mới về quê quán Bethlehem và lại chọn mùa đông. Mùa đông ở Palestine thường hay mưa, nhiệt độ xuống thấp và thường khi có băng giá.

 

Cuộc hành trình được viết lại qua bốn cuốn Thánh Kinh Gioan, Marcô, Luca và Matthêu chỉ có mấy dòng sơ sài, không cho chúng ta hình dung được đoạn đường gian khổ này.

 

Từ Nazareth đến Bethlehem đường dài 80 dặm, khoản trên 140 cây số. Có giáo sử viết Đức Mẹ  và thánh Giuse chỉ đi trong 3 ngày. Chuyện này khó có thể. Cũng không thể có chuyện Đức Mẹ đi bộ khi ngày sinh đã cận kề. Vậy chỉ ngồi lưng lừa thôi, như ngày thánh gia trốn vua Herode chạy qua Ai Cập. Dù đi lừa cũng không thể quá 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày, vì phải dừng lại cơm nước, đi vệ sinh, cho lừa nghỉ ngơi và ăn uống. Như vậy  mỗi giờ chỉ có thể đi 2 dặm, và mỗi ngày 12 dặm.  Và cuộc hành trình này mất khoản 6 đến 7 ngày. Như vậy cũng quá gian nan cho Đức Mẹ.

Đức Mẹ có thể ở lại Nazareth không đi được không? Có thể được , vì thánh Giuse có thể khai cho gia đình, nhưng có lẽ Đức Mẹ còn rất trẻ ham vui, muốn đi theo, nhưng có lẽ Đức Mẹ sợ nhất là ngày sinh không có thánh Giuse bên mình?

 

Vậy là một ngày mùa đông rét mướt tuyết giá, Đức Mẹ và thánh Giuse lên đường vào sáng sớm, qua làng Bai’t và cuối ngày đến Beth Shean. Beth Shean ngày hôm nay là một thị trấn nhỏ khoảng 20,000 dân. Đây là nơi gặp nhau giữa hai thung lũng Jordan và thung lũng Jezreel. Trên hai ngàn năm trước ngày Đức Mẹ và thánh Giuse dừng chân qua đêm, đây  là một làng nhỏ.

 

Ngày kế tiếp  họ đến chân núi Gilboa, dừng chân ở đây, đóng lều ngủ qua đêm cạnh dòng sông Jordan. Bilboa là dãy núi đẹp nhất  Palestine, về mùa xuân hoa dại nở khắp núi rừng.

 

Ngày kế tiếp lại lên đường rất sớm, dừng chân tại một quán bên đường ăn trưa, dưới chân rặng núi Sartaba. Trái với núi  Gilboa, Sartaba là  một dãy núi đá trọc, nhìn xuống thung lũng Jordan xanh tươi.

 

Ngày kế tiếp Đức Mẹ và thánh Giuse lên đường đi Jericho. Đến nơi thì trời sập tối, ngủ qua đêm tại một quán trọ bên đường. Ngày hôm nay Jericho  là một thị trấn nhỏ, khoảng 18,000 dân. Thời Đức Mẹ chỉ là một làng nhỏ, nằm ở Bờ Tây (West Bank), trong thung lũng Jordan, với dòng sông Jordan về phía đông và Jerusalem về phía tây.

 

Và lại lên đường sáng hôm sau, rẽ về phía tây và đến Giêrusalem cùng ngày, họ ghé thăm thánh đường và ở lại quán trọ qua đêm.

 

Và cuối cùng ngày hôm sau Đức Mẹ và thánh Giuse lên đường và đến Bethlehem vào buổi chiều.

 

Không phải chỉ có Đức Mẹ và thánh Giuse mới về Bethlehem, nhưng có rất nhiều gia đình ghé nơi đây. Các quán trọ đều kín chỗ. Rất may mắn chủ quán trọ, nơi họ ghé, mở nhà kho chuyên chứa thóc và chỗ ở của lừa ngựa, dọn dẹp sạch sẽ, cho các gia đình không có chỗ tá túc ngủ qua đêm. Trong nhà chứa thóc có các máng cỏ cho bò lừa ăn.

 

Tối hôm đó Đức Mẹ chuyển bụng, trằn trọc ngủ không được, và trưa hôm sau Hài Nhi ra đời nhờ có sự giúp đỡ săn sóc của các bà ở trọ cùng phòng. Đó là trưa ngày 21 tháng 8 năm thứ 7 B.C. (?),

 Hài Nhi được tắm rửa và mặc các áo quần Đức Mẹ may sẵn đem theo. Đến đây lại nhớ các hang đá Noel, Hài Nhi nằm trần truồng hay chỉ có cái khăn quấn ngang bụng nằm trong máng cỏ. Thật là một thiếu sót lớn của các người chưng dọn máng cỏ Mùa Giáng Sinh.

 

Bốn cuốn Thánh Kinh Marcô, Luca, Matthêu, Gioan  có nói các mục  đồng dắt chiên cừu đến thờ lạy Chúa Hài Đồng. Nếu đó là một đêm đông lạnh giá tuyết phủ, chắc không đúng, vì các mục đồng đã dẫn đàn chiên về trú đông trong các nông trại vào cuối thu, đầu đông.

Đúng hơn có lẽ đó là một đêm thu  có trăng sao và khí trời còn ấm áp. Nhưng tại sao ngày hôm nay chúng ta mừng ngày Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 mỗi năm?

Giáng Sinh đầu tiên được cử hành vào năm 273 A.D.  thay thế ngày lễ của dân ngoại thờ mặt trời, nhưng được chính thức cử hành vào ngày 25 tháng 12 năm 336 A.D. dưới thời hoàng đế Constantine. Ông là người theo Thiên Chúa giáo.

Thánh Phanxicô Assisi (1184-1226) là người đặt ra máng cỏ Giáng Sinh. Vào năm 1223 ông đi Roma gặp Đức Giáo Hoàng Honorius III  xin phép được cử hành Lễ Giáng  Sinh với một phương cách mới. Ông chọn khu rừng cạnh làng Grecio , nơi có người bạn thân ông là Giovanni Velita ở. Lúc đó  là 15 ngày trước lễ Giáng Sinh. Và hai ông đã đưa bò và lừa đến khu rừng gần làng Grecio, lập nên máng cỏ đầu tiên. Đêm Giáng Sinh đầu tiên với máng cỏ , thánh Phanxicô mời dân làng đến dự. Họ thắp đuốc đi theo cộng đoàn các linh mục Dòng , vừa đi vừa hát trong đêm đông lạnh giá. Không khí thật trang nghiêm và vô cùng thánh của đêm Silent Night. Thánh lễ cử hành  đúng lúc 12 giờ đêm hôm đó. Sau bài giảng, thánh Phanxicô cúi xuống hôn Hài Nhi trong máng cỏ và ngạc nhiên, vui mừng lòng tràn ngập hạnh phúc, khi thấy pho tượng Hài Nhi trong nệm rơm trở nên sống đông và Hài Nhi mĩm cười. Chỉ có mình thánh Phanxicô và  ông Giovanni Velita thấy thị kiến này.

 Đó là  thánh lễ Giáng Sinh đầu tiên với máng cỏ ngày 25/12/1223, và giáo hội tiếp tục giử tập tục  này cho đến bây giờ.


Ngày Chúa sinh ra đời, các thiên thần trên Thiên Quốc đã ca hát ngợi khen, nhưng những lời ca ngợi này người trần thế không nghe được:

 

                                            “VINH  DANH  THIÊN CHÚA  TRÊN  CÁC  TỪNG  TRỜI, 

                                                BÌNH  AN  DƯỚI  THẾ  CHO  NGƯỜI  THIỆN  TÂM”.

 

 

 

Ngày hôm nay, trên hai ngàn năm sau, chắc chẳng có gia đình nào có người đàn bà sắp đến ngày sinh, ngồi lưng lừa đi lại chặng đường từ Nazareth về Bethlehem, để xem nó gian nan ra làm sao, và nhớ đến biết bao nhiêu gian khổ Đức Mẹ và thánh Giuse đã trải qua.

 

Nhìn lại cuộc đời Đức Mẹ, từ lúc Thiên Thần  truyền tin Gabriel loan báo Bà sẽ thụ thai bởi thần phép Đức Chúa Thánh Thần, và sinh ra Hài Nhi, Đức Mẹ đã thốt lên:

 

”Tôi là tôi tớ Thiên Chúa, tôi XIN VÂNG”.

Hai chữ Xin VÂNG thật ngắn gọn đã đi theo Đức Mẹ từ ngày đó, cho đến khi Mẹ rời trần thế về Thiên Đàng. Và biết bao nhiêu khổ nạn đến cho Mẹ theo sau hai chữ XIN VÂNG đó:

Đầu tiên là lời đàm tiếu chưa có chồng đã mang thai.

 

Rồi chặng đường gian khổ từ Nazareth về Bethlehem.

 

Ngày dâng Chúa Hài Đồng vào đền thánh, Đức Mẹ và thánh Giuse đã gặp hai tiên tri Simêon và Anna. Simêon là một danh ca người xứ Judea, Anna là thi sĩ người Galilean. Cả hai đều muốn gặp đấng Cứu Thế.

 

Simêon ẵm Hài Nhi và hát:

“Muôn lạy Chúa,

Theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này ra đi trong an bình, vì chính mắt con đã thấy ơn Cứu Độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng dành cho dân ngoại, và vinh quang cho Israel dân Ngài”.

 

Simêon chúc phúc lành và nói:” Thiên Chúa đã đặt Cậu Bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cậu Bé còn là dấu hiệu cho nhiều người chống báng. Còn chính Bà một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà.”

 

Và nữ tiên tri Anna cũng chúc phúc cho thánh gia.

 

.

Đến ngày trốn chạy vua Herode săn đuổi, Đức Mẹ lại ẵm Chúa lên lưng lừa qua Ai Cập, đường đi biết bao nguy khốn khổ đau. Rồi khi Herode qua đời, Mẹ lại trở về đất nước Do Thái.

 

Khi Chúa Giêsu vào tuổi 30, đã bỏ nhà đi rao giảng. Có lẽ những năm đó Đức Mẹ không hiểu được, vì thiên thần truyền tin Gabriel đã báo, Chúa sẽ  tiếp tục dòng dõi vua David, sao lại đi rao giảng suốt ba năm liền không thấy dấu hiệu gì Chúa sẽ lãnh đạo kháng chiến quân, lật đổ chế độ cai trị của đế quốc La Mã để nối nghiệp tổ tiên?

 

Có một lần Đức Mẹ và anh em Chúa đi tìm Chúa. Chúa đang giảng trong nhà một người theo Chúa. Dân chúng  quá đông, Đức Mẹ không vào được, phải nhờ người lẻn vào trong nhà, và thưa với Chúa: ”Thưa Thầy, có Mẹ và anh em Thầy muốn gặp Thầy” .

Và Chúa nhìn xuống đám đông bảo: ”Ai là Mẹ , là anh em Ta, những người nghe và vâng giử lời  Ta.”

Đây là chuyện đã xảy ra trên hai ngàn năm trước. Ngày đó đường sá xa xôi, phương tiện giao thông còn rất thô sơ, đi bộ hay lừa ngựa. Truyền tin chỉ bằng người liên lạc và truyền miệng. Không thể kể biết bao nhiêu gian khổ của Đức Mẹ vì nhớ Con đi tìm kiếm. Phải đi bộ, nơi này qua nơi khác hỏi thăm người này, kẻ nọ. Khi đến nơi, Chúa Giêsu và các tông đồ đã đi nơi khác. Ngày đó đâu có email hay iphone để liên lạc.

“Tìm Con như thể tìm chim.

Chim bay Biển Bắc, đi tìm Biển Nam”.

Chúng ta không thể hiểu rõ Mẹ đã vui mừng biết bao nhiêu khi qua bao nhiêu tháng ngày lặn lội đã đến lúc sắp tay bắt, mặt mừng, bỗng lời đứa Con từ trong nhà vọng ra làm Mẹ ngất xỉu. Chúng ta hiểu Mẹ rất thánh thiện, nhưng Mẹ cũng như tất cả người trần thế, cũng có lúc xúc động như các người mẹ thế gian. Lời người Con như gáo nước lạnh tạt vào mặt Mẹ. Phải là sau khi Chúa Giêsu sống lại, Mẹ mới hiểu hết nguồn cơn, vì Chúa xuống thế gian với một sứ mạng cao cả hơn nhiều, chứ không phải chỉ cho gia đình riêng Mẹ.

 

14 chặng đường thánh giá Chúa đi, cũng chính là chặng đường Mẹ đi. Có người mẹ nào trên thế gian đau khổ bằng Mẹ khi cùng con đi suốt chặng đường này lên đồi Golgotha?

Và dưới chân thánh giá có tất cả ba bà Mary: Mary Magdalene, Mary em của Martha và Lazarô, và Mary Mẹ của Chúa Giêsu. Đây quả thật là Mẹ Sầu Bi. Ai sầu bi hơn Mẹ khi nhìn lên thánh giá có đứa con mình đang đau đớn hấp hối. Không thể viết lại hết, diễn tả hết nỗi đau thương của Mẹ khi viết những dòng này. Đến đây có lẽ Mẹ nhớ lại lời tiên tri Simêon trong đền thánh. “Một lưỡi đòng đâm thấu tim Bà .”

 

Quả thật thế gian này không có người đàn bà nào được Thiên Chúa chúc phúc bằng Mẹ, khi Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng cũng không có người mẹ thế gian nào đi qua bao nhiêu khổ nạn như Mẹ.

 

Mẹ Mary thương mến,

Đến đây con xin kết thúc bài “Đường Về Bethlehem”. Cảm tạ Mẹ soi sáng cho con viết một phần rất nhỏ bé đời của Mẹ, buồn nhiều hơn vui, xa cách nhiều hơn đoàn tụ, đau khổ nhiều hơn vui sướng.

Mẹ cũng là Mẹ của con, theo dõi bước chân con trên trần thế, và đã bao nhiêu lần Mẹ cứu con và gia đình con. Ơn nghĩa này làm sao con có thể trả được.

 

Mùa Giáng Sinh 2022 này, con xin  Hài Nhi và Mẹ một đặc ân. Xin Hài Nhi và Mẹ đến viếng gia đình con và gia đình những bạn bè con thương mến .

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           PHƯƠNG  TUẤN

 

Comments

Popular posts from this blog

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!