December 28, 2023 Chuyện Gíáng Sinh cảm động, "Hưu chiến nhỏ trong Đêm Thánh Vô Cùng"

TIẾNG VỌNG CỦA THỜI GIAN.

ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG.

Chuyện xảy ra trong thế chiến 2... Sau khi đổ bộ thành công vào Normandie, quân Ðồng Minh chiếm được lợi thế và dần đẩy lui quân Ðức ra khỏi Tây Âu. Khi đến sát biên giới Ðức, quân Ðồng Minh tái bố trí lực lượng, chờ tiếp vận và đặt kế hoạch cho bước kế tiếp. Cho rằng xuyên dãy rừng Ardennes là bất khả thi cho các chiến xa Panzer và các trọng pháo tấn công, quân Mỹ chỉ cho một đội lính nhỏ tuần tra bìa rừng đó. Ngoài tiên liệu của Mỹ, lợi dụng trời bão tuyết mịt mù che khuất tầm nhìn của các phi cơ tuần tra, quân Đức đã âm thầm mở một cuộc phản công bất ngờ phá thủng trận tuyến của Ðồng Minh, nhằm cắt đôi lực lượng quân Anh, chiếm lại Antwerp (Bỉ) và sau đó bọc hậu bao vây 4 quân đoàn của khối Ðồng Minh nhằm lấy lại thế thượng phong. 250,000 lính Ðức được dẫn đầu bởi hơn 1,800 xe tăng Panzer thiện chiến và 2,000 đại pháo, bí mật xuyên qua rừng núi Ardennes. Bắt đầu mờ sáng ngày 16/12/1944 đạn pháo từ trong rừng rậm trút xuống như sấm sét, theo sau là các xe tăng Panzer dũng mãnh tung ra nhanh như chớp. Dù tổn thất nặng nề, nhưng cuối cùng quân Ðồng Minh đã chống trả mãnh liệt và chiến thắng sau 3 tuần máu lửa, sau đó phản công tiến sâu vào nước Ðức. Và câu chuyện hưu chiến của một đêm Giáng Sinh năm ấy xảy ra ở một ngôi nhà nhỏ nằm heo hút trong rừng núi Ardennes đó.

Giáng sinh năm ấy thật lạnh, tuyết phủ ngập đầu gối, phủ ngập các lối mòn trong cánh rừng thông. Trong màu tuyết trắng giá băng tàn nhẫn ấy, 2 người lính Mỹ dìu một người bạn bị thương ở chân, máu chảy từng giọt trên tuyết. Họ đi lầm lũi như thế trong rừng đã 3 ngày đêm, lạc lối tìm về đơn vị và lẩn tránh kẻ thù trong những ngày đầu của trận chiến bão táp bất ngờ. Mệt mỏi đến kiệt lực vì rét, đói và dìu dắt người bạn bị thương, từ xa xa còn nghe ì ầm tiếng đạn pháo vọng về trong rừng cây, phá tan sự yên tĩnh chết chóc. Lòng họ chùng xuống khi chiếc đồng hồ đeo tay cho họ biết tối nay là Giáng Sinh. Ðêm Giáng Sinh xa nhà ở một nơi xa lạ và đầy ắp nỗi sợ hãi. Và họ thật vui mừng khi thấy trong màn đêm một ánh lửa nhỏ nhoi màu vàng cuối cánh rừng. Khói bốc lên nhè nhẹ trên mái nhà từ bếp lò. Họ linh cảm nhận ra đó là nơi để nghỉ chân dù không biết rằng mình vẫn ở trong địa phận của Ðức.

Trong cabin bằng gỗ có 2 mẹ con, đứa bé trai 12 tuổi tên là Fritz, người mẹ tên là Elisabeth Vincken. Gia đình họ ở thành phố Aschen, phía Tây nước Ðức sát biên giới Bỉ và Hà Lan. Khi phi cơ Ðồng Minh thả bom họ phải sơ tán và ở tạm trong cabin dành cho săn bắn mùa đông ở bìa rừng Hurtgen, cách 4 dặm từ Monschau gần biên giới Bỉ. Người cha phải ở lại thành phố để làm việc và hứa sẽ trở về gia đình trong Giáng sinh.

Cốc. Cốc. Cốc

Có tiếng gõ cửa, cậu bé vui mừng nghĩ rằng cha về kịp, bà Elisabeth cẩn thận thổi tắt ngọn nến và mở cửa. Trong ánh sáng mờ, bật lên giữa thảm tuyết trắng là 2 người lính Mỹ và phía sau lưng họ là một người thứ ba nằm trên mặt đất. Mặc dù áo quần nhàu nát và phủ đầy khói bụi thuốc súng, ướt đẫm trong tuyết, trông họ vẫn là những chàng trai trẻ. Một người cầm súng ngắn, người kia cầm súng trường. Họ có thể đập cửa xông vào nhà, nhưng họ vẫn đứng đó… bà mẹ thầm nghĩ. Và bà cất giọng bằng tiếng Ðức, họ lúng túng trả lời bằng tiếng Anh, sau đó qua tiếng Pháp rời rạc và vụng về chắp nối. Rốt cuộc cả hai phía đều hiểu nhau và bà vui lòng cho 3 người lính Mỹ vào nhà, nhất là khi nhìn thấy tình trạng của người bị thương.

Trà nóng được mang ra, bà mẹ sai cậu bé lấy 6 củ khoai tây và nướng con gà giống Hermann. Bà hẳn không ưa con gà này gì lắm, tên nó trùng hợp với cái tên của Thống chế Hermann Goering, trùm mật vụ Gestapo và là Tư lệnh Không quân Đức, kẻ đã làm xáo trộn đời sống thường dân yên ả của bà. Trong khi mùi thơm gà nướng bắt đầu đượm trong căn nhà nhỏ, thì có tiếng gõ cửa. Lần này cậu bé nhanh chóng mở cửa, nghĩ rằng sẽ có thêm người Mỹ đi lạc. Thì bất ngờ trước cửa là 4 người lính Ðức. Thoáng nghe tiếng Ðức, bà mẹ lo sợ, khuôn mặt tái đi. Hình phạt là tử hình nếu che giấu và giúp đỡ kẻ thù. Tuy vậy bà vẫn bước ra cửa. Một hạ sĩ Ðức cùng 3 người lính trẻ. Họ trông run rẩy vì rét lạnh. Họ chúc mừng Giáng Sinh, nói rằng họ đói, lạnh và xin tá túc. Bà mẹ bảo rằng họ có thể vào nhà và ăn Giáng sinh với bà, nhưng trong nhà hiện có vài người được xem là thù địch. Các người lính Ðức thay đổi thái độ, tay đặt lên cò súng. Bà mẹ nhìn thẳng vào thượng sĩ Ðức và nói : “Es ist Heiligabend und hier wird nicht geschossen.” (Ðêm nay là đêm Thánh và sẽ không có nổ súng tại đây!) Bà bảo lính Ðức bỏ súng bên ngoài cửa rồi mời vào nhà. Những người lính Ðức ngần ngại trong chốc lát rồi làm theo lời bà. Cuộc chiến do Hitler khởi đầu đã không kết thúc nhanh chóng như họ tưởng. Kết quả xem ra mơ hồ và họ vô cùng mệt mỏi. Khi vào bên trong họ đứng trân khi nhìn bà mẹ cũng buộc 2 người Mỹ buông súng và cất vào góc phòng. Cả hai phe nhìn vào nhau trong căng thẳng ngượng nghịu phút đầu. Nhưng với sự hiện diện của bà mẹ và cậu bé, mùi thơm của thức ăn và ánh sáng ấm áp từ lò bếp, từ ngọn nến, tất cả lắng xuống và ngồi đối diện nhau quanh bàn gỗ. Người lính Ðức lấy ra một chai rượu trong khi bà mẹ chuẩn bị dọn bữa, một trong 4 người lính Ðức là sinh viên trường Y trước khi nhập ngũ, anh ta xem qua vết thương cho người lính Mỹ và bảo rằng dù vết thương không nhiễm trùng nhờ giá lạnh nhưng mất máu nhiều, anh ấy cần ăn và nghỉ ngơi. Và khi bữa tiệc bắt đầu thì mọi người đều trở nên thân thiện, cởi mở. Gói thuốc Lucky Strike thơm lừng chia đều bên cốc rượu vang, họ hỏi thăm nhau như chưa từng là kẻ thù của ngày hôm qua. Như quên đi các đồng phục họ mang trên người, như quên đi những bất đồng ngôn ngữ và chính kiến. 2 người lính Ðức mới 16 tuổi, người hạ sĩ 23 tuổi. Khi bà mẹ cầu nguyện cảm ơn Thượng đế thì những người lính nước mắt lưng tròng. Nửa đêm Giáng Sinh, họ cùng bước ra ngoài cabin nhìn lên bầu trời. Men rượu vang ấm áp và khói thuốc thơm bay quyện lên cao. Các vì sao lấp lánh trên đầu bìa rừng những đốm trắng sáng như ngân nhũ trang trí cho ngàn cây thông Noel. Trong lòng họ tràn ngập một “Ðêm Thánh vô cùng”.

Cuộc hưu chiến nhỏ ấy chỉ kéo dài đến sáng ngày mai. Người lính Ðức nhìn vào bản đồ và chỉ đường trở về cho người Mỹ, sau đó còn tặng một la bàn. Bà mẹ trao lại vũ khí cho từng người, các người lính bắt tay nhau và chia làm 2 hướng. Từ xa xa đã bắt đầu âm vọng tiếng ì ầm của đạn pháo…

Cậu bé Fritz và cha mẹ đã sống sót sau cuộc chiến. Cha mẹ cậu mất vào khoảng thập niên 1960. Cậu lập gia đình và định cư tại Hawaii, mở một tiệm bán bánh ở Kapalama, ngoại ô Honolulu. Trong nhiều năm sau Fritz cố tìm cách liên lạc với những người lính hôm ấy nhưng bặt tăm.

Ðến năm 1985, Tổng thống Reagan nghe câu chuyện và nhắc đến nó trong một bài diễn văn tại Berlin, như một minh chứng cho tình người trong ước muốn hòa bình giữa chiến tranh. Tuy vậy phải đợi đến khi chương trình Unsolved Mysteries lên truyền hình, thì người ta mới biết rằng có một người sống ở nhà dưỡng lão Frederick, Maryland, ông đã kể câu chuyện tương tự hàng trăm lần, trong nhiều năm. Các y tá và bệnh nhân cứ ngỡ ông ta hoang tưởng…

Tháng 1/1996, Fritz liền bay đến gặp Ralph Blank, 1 trong 3 người lính Mỹ hôm ấy giờ đang sống trong khu nhà dưỡng lão. Ông vẫn còn giữ chiếc la bàn và bản đồ. Ralph nói với Fritz rằng mẹ anh đã cứu ông. Fritz sau đó dần liên lạc với 2 người Mỹ còn lại, nhưng không hề có tin tức nào từ 4 người lính Ðức.

Fritz mất ngày 8/12/2002, gần 58 năm sau ngày hưu chiến nhỏ ở ngôi làng bìa rừng nọ. Một cuộc hưu chiến nhỏ trong một thế chiến lớn kinh hoàng. Như phép lạ của mùa Giáng Sinh.

- Cang Huỳnh lược dịch từ La Vie est Belle.

 

 

Comments

Popular posts from this blog

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!