February 29, 2024 Cắm cờ vàng trên cổ thành Quảng Trị

 

Đọc bài này, thấy thương cảm tất cả các anh chiến binh, nhất là 8 anh chiến binh cảm tử tình nguyện cắm cờ vàng trên cổ thành, nhờ các anh Miền Nam đã có 20 năm an bình.
" Quả thật không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu." Phương Tuấn.

CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ: BỨC TƯỜNG THÀNH OAN TRÁI

BỨC TƯỜNG THÀNH OAN TRÁI

Cổ Thành Quảng Trị


Tưởng niệm tiểu đội tiền thám nhảy dù:

Ðây là bài viết thứ 7 trong loạt bài tìm hiểu về trận thư hùng Nam Bắc tại Quảng Trị vào mùa hè 1972. Chúng tôi đã viết về sư đoàn 3, về TQLC, Pháo binh, về miền Trung, về xứ Quảng, về tình yêu, đêm đen. Nay viết về nhảy dù và sẽ còn tiếp theo với Biệt động quân, không quân, thiết  giáp sư đoàn 1…

Riêng đoản văn này thực hiện được là nhờ thêm tài liệu của thiếu tá Trương đăng Sỹ hiện định cư tại Úc Châu. Cách đây 37 năm ông là đại úy đại đội trưởng đại đội 51 của tiểu đoàn 5 nhảy dù. Ðơn vị đã trải qua nhiều cay đắng bên bức tường thành oan trái của tiểu khu Quảng Trị.

Từ Úc Châu, thiếu tá Sỹ đã viết những lời hết sức đau thương. Ông viết rằng: “Nhẩy dù đã đánh vào Cổ Thành như thế đó. Bằng tất cả hỏa lực và xương máu. Bằng tất cả quyết tâm của tuổi trẻ hiến dâng cho tổ quốc. Quyết tâm dựng bằng được lá quốc kỳ “.

Và lời than vãn 37 năm sau đã nhắc lại: “Trong lúc thủy quân lục chiến chuẩn bị làm lễ thượng kỳ, ghi dấu chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị thì cũng có 1 người âm thầm tưởng nhớ các chiến sĩ của đại đội 51 ”.

Như vậy thì ý nghĩa của trận dứt điểm Quảng Trị tại Cổ Thành quả thực là 1 vấn đề hết sức quan trọng. Dù muốn dù không, tinh thần thi đua sống chết với bom đạn, thi đua lập chiến công các sư đoàn bộ binh, giữa các đơn vị tổng trừ bị là chuyện mà lịch sử không thể bỏ qua được.Trước khi vào bắt đầu, xin hãy cùng người đại đội trưởng năm xưa, chúng ta tưởng nhớ đến tiểu đội thám sát tình nguyện mang màu hoa dù mũ đỏ đã hy sinh đợt đầu tiên tại Cổ thành Ðinh công Tráng. Những cái chết oanh liệt và rất cô đơn đó sẽ được kể lại trong những đoạn sau.

Diễn tiến tin chiến sự :

Chúng tôi sẽ không viết về chi tiết của cuộc chiến. Bài viết này không phải đơn thuần dành cho các nhà quân sự, không phải chỉ dành cho giới chiến binh. Ðây là bài viết cho mọi người, cho gia binh, cho thế hệ tương lai. Xin được thông cảm. Câu chuyện sẽ trình bày đơn giản và bây giờ xin kể lại từ đầu.

Trong chiến tranh Việt Nam có 2 kỳ chiến sự bộc phát mãnh liệt.

Năm 1968 Tết Mậu Thân, cộng sản đánh theo kiểu nổi dậy từ bên trong. Hoa Kỳ có tham gia chiến trận với Việt Nam Cộng Hòa. Sau 50 ngày quân ta dẹp tan phe địch ở khắp nơi.
Qua đến mùa hè 1972 địch mở 3 mặt trận. Riêng quân khu I, địch tấn công trực tiếp qua giới tuyến. Trong nội tháng 4-1972 Bắc quân chiếm toàn thể lãnh thổ Quảng Trị. Bên ta rút lui từ sông Bến Hải về sông Thạch Hãn, rồi từ sông Thạch Hãn về sông Mỹ Chánh. Qua tháng 5-1972 miền Nam chỉ còn giữ được Thừa Thiên và Huế. Cuộc lui binh Quảng Trị được coi như thất bại đau thương. Các đơn vị thủy quân lục chiến, bộ binh, biệt động quân, pháo binh, thiết giáp, địa phương quân và dân chúng đều phải chạy về miền Nam.

Tháng 4-1972 cũng đã là 1 tháng tư đau thương.


Nhờ 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến còn giữ vững phòng tuyến sông Mỹ Chánh. Nhờ sư đoàn 1 bộ binh giữ được mặt trận phía tây Thừa Thiên. Kinh thành Huế còn sống, đứng bất động đợi chờ. Cộng sản với đà chiến thắng mạnh mẽ cũng đã hết sức nên phải dừng lại chỉnh đốn binh mã.


Tháng 5-1972 là tháng miền Nam phục hồi. Tháng 6-1972 đại quân tổng trừ bị Nhảy Dù và Thủy quân lục chiến cùng vượt sông Mỹ Chánh để bắt đầu trận phản công. Có thiết giáp, pháo binh, Biệt động quân cùng tham dự. Rõ ràng là cuộc hành quân Bắc tiến thực sự. Không quân Việt Mỹ bao vùng, thêm hải pháo từ đệ thất hạm đội Hoa Kỳ ở biển Ðông.
Cuộc tiến quân tháng 6 của miền Nam coi như thành công. Quân sử của miền Bắc đã phê bình nội bộ cho rằng phe cộng sản đã không bám đất, giữ trận tuyến ngay từ bờ bắc sông Mỹ Chánh. Ðể đến khi miền Nam dồn địch lên phía bắc thì quá muộn. Tuy nhiên, vì nhu cầu hòa đàm, địch vẫn phải sống chết bám lấy Cổ thành Quảng Trị.
Từ Paris phe ta phe địch, cả hai bên đều theo chiến thuật đánh đánh, đàm đàm. Việt Nam Cộng Hòa, Giải phóng miền Nam, cộng sản Hà nội và Hoa kỳ đều chờ tin tức trận Quảng Trị. Ðại tá Ðỗ đức Tâm, hàng ngày chạy qua bộ tổng tham mưu nghiên cứu thật kỹ bản đồ trận liệt miền hỏa tuyến để nhật tu phòng hành quân riêng của tổng thống Nguyễn văn Thiệu tại dinh Ðôc Lập. Trên bản đồ của tổng thống có các dấu hiệu theo dỏi xuống đến cả cấp tiểu đoàn.
Trung tướng Thiệu gọi điện cho tướng Trưởng mỗi ngày và đồng thời nhận điện từ tin tức hòa đàm Paris. Từ Hà Nội, Lê Duẩn nhấp nhổm theo dõi tình hình từ các cấp chỉ huy mặt trận tại Quảng Bình rồi lại chờ báo cáo của Lê đức Thọ từ Pháp. Cố vấn Mỹ từ Saigon bay ra Huế rồi đi trực thăng đến bờ sông Mỹ Chánh nói chuyện với tòa đại sứ. Ông đại sứ gọi thẳng qua Pháp cho Kissinger. Báo cáo sau cùng, nhảy dù Việt Nam đã tiến vào thị xã Quảng Trị. Tin tức trên trang nhất của báo chí Hoa Kỳ loan báo trận chiến quyết định sắp sửa mở màn. Mục tiêu sau cùng là Cổ thành Ðinh Công Tráng. một nhu cầu chính trị. Lúc đó vào đầu tháng 7-1972, sư đoàn Thủy quân lục chiến Việt Nam với 3 lữ đoàn có chiến xa và pháo binh đã nhẹ nhàng làm chủ tình thế mặt trận phía duyên hải. Vị tân tư lệnh thủy quân lục chiến là chuẩn tướng Bùi thế Lân.

So với Nhảy Dù, TQLC quân số đông hơn, và từ đầu năm 72, mũ xanh tổn thất nhẹ hơn sư đoàn mũ đỏ. Phần vụ của Sư đoàn nhảy dù xem chừng cay đắng hơn vì từ trục tiến quân trên quốc lộ bây giờ phải xoay ngang cánh mặt để giải quyết khúc xương chính của chiến trường. Thị xã và Cổ thành. Lúc đó trung tướng Dư quốc Ðống, gốc Rạch giá vẫn còn giữ chức vụ tư lệnh nhảy dù với 3 lữ đoàn tác chiến chuẩn bị dứt điểm mục tiêu sau cùng bên bờ sông Thạch Hãn. Một lữ đoàn giữ phòng tuyến quốc lộ và chặn địch phía Tây, vùng cận sơn. Một lữ đoàn trừ bị. Trách nhiệm tấn công giao xuống đại tá Trần quốc Lịch, lữ đoàn 2 nhận nỗ lực chính. Ðại tá Lịch quê Nam Ðịnh, một đời chinh chiến đi lên từ trung đội trưởng. Tiểu đoàn trưởng pháo binh nhảy dù là Bùi Ðức Lạc, yểm trợ trực tiếp cho lữ đoàn 2. Ðến trung tuần tháng 7 thì nhảy dù đã giải tỏa xong thị xã Quảng Trị, nhưng chưa tính đến tòa thành cổ. Ðịch tăng cường mạnh mẽ và rút vào cố thủ bên trong. Pháo địch bắn liên tục chung quanh phía ngoài. Bom đạn bên ta ngày đêm cầy nát bên trong. Mặc dù sư đoàn mũ đỏ tinh thần rất cao, nhưng thương vong tổn thất suốt năm qua đã quá mệt mỏi. Tạm thời dừng chân bên ngoài Cổ Thành và bàn thảo phương cách tấn công.

Buổi họp hành quân lịch sử

Hôm đó là ngày chủ nhật 16 tháng 7 năm 1972. Tất cả các sĩ quan chỉ huy cao cấp tham dự hành quân đều có mặt với sự chủ tọa của trung tướng Ngô quang Trưởng tư lệnh quân đoàn. Chỉ thị sau cùng là thay quân. Sư đoàn nhảy dù bàn giao ngay mặt trận Quảng Trị cho thủy quân lục chiến để lãnh nhiệm vụ khác.
Tướng Bùi thế Lân, tân tư lệnh của sư đoàn thủy quân lục chiến có thể đã được biết nhiệm vụ mới nên không có gì thắc mắc. Phía bên nhảy dù, tư lệnh Dư quốc Ðống lắng nghe ý kiến của Lữ đoàn trưởng Trần quốc Lịch ghé bên tai và gật đầu đồng ý. Ðược phép vị tư lệnh sư đoàn, ông Lịch bày tỏ ý kiến khi phải bàn giao nhiệm vụ. Ðại tá lữ đoàn trưởng nhảy dù trình bày các giải pháp đánh vào Cổ thành và đề nghị cho phép mũ đỏ tiếp tục hoàn tất nhiệm vụ.


Tướng Ngô quang Trưởng nói rằng đây là lệnh của thượng cấp. Ai cũng hiểu rằng ông nói đến tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Nói xong, ông tạm lui vào phòng bên cạnh. Một lát sau, tướng Trưởng quay trở ra và cho biết: thượng cấp quyết định lùi lại hơn 1 tuần sau. Ngày 27/7/1972 mặt trận Quảng Trị sẽ được bàn giao giữa sư đoàn Dù và sư đoàn Thủy quân lục chiến. Và ông nói tiếp: Thượng cấp nói rằng bên Thủy quân lục chiến đã rút lui tại Quảng Trị, bây giờ phải giao trách nhiệm cho anh em lấy lại Cổ Thành. Nếu không thì về sau làm sao người ta đánh giặc. Với câu nói đó, bên nhảy dù không bình luận gì thêm. Sự hy sinh lớn lao sau này của trận dứt điểm Cổ Thành trong 50 ngày sau cùng đã tổn thất trên 3.000 thủy quân lục chiến. Tuy nhiên, ngay sau hội nghị quan trọng kể trên. Chỉ thị bàn giao chưa ban hành. Các đơn vị nhảy dù tại tiền tuyến vẫn tiếp tục đánh thêm hơn tuần lễ đẫm máu cuối cùng.

Bây giờ là lúc Lữ đoàn trưởng Trần quốc Lịch kêu trung tá Nguyễn chí Hiếu, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 nhận trọng trách lịch sử. Cho quân tiến vào và cắm cờ trên Cổ thành Quảng Trị. Vào 1 buổi tối dừng quân, trung tá Hiếu trịnh trọng trao tay lá cờ cho đại úy Trương đăng Sỹ, đại đội trưởng đại đội 51. Với lời lẽ rất khác thường so với ngôn ngữ nhảy dù thường lệ. Trung tá Hiếu đã nhắn nhủ người đại đội trưởng tin cậy của ông làm tròn sứ mạng. Nếu công tác hoàn tất, lá cờ lịch sử của nhảy dù không phải chỉ bay trên nền trời Cổ Thành mà bay cả trên không phận Saigon. Bay cả trên bàn hội nghị Paris.
Và bây giờ xin quý vị nghe ông đại đội trưởng 51 kể lại chuyện 37 năm về trước đã sống chết với lá cờ ra sao.

Bức tường oan trái

Vào những ngày tháng đó, Cổ thành Quảng Trị, với tường thành vững trãi. Tường cao, hào sâu là mục tiêu sau cùng nhưng đồng thời cũng là mồ chôn xác của hàng vạn binh sĩ hai miền Nam Bắc.

Thiếu tá Trương văn Sỹ (Úc Châu)

Thiếu tá Trương văn Sỹ (Úc Châu)

Chiến binh của đại úy Trương văn Sỹ lúc đó là những người lính ở tuyến đầu. Xuất thân khóa 21 Vỏ bị Ðà Lạt, người thanh niên Cần Thơ của miền sông nước Cửu Long đã sống với mũ đỏ từ Campuchia, Hạ Lào, An lộc và giờ đây dừng bước chân chinh chiến trước Cổ thành Ðinh công Tráng. Ngay phía sau lưng ông là tiểu đoàn phó Bùi Quyền, tiểu đoàn trưởng Nguyễn chí Hiếu rồi lên đến lữ đoàn trưởng Trần quốc Lịch. Sau ông Lịch là tư lệnh sư đoàn Dư quốc Ðống. Cuối cùng là ông tư lệnh vùng Ngô quang Trưởng ngày ngày nhận lệnh trực tiếp từ tổng thống Nguyễn văn Thiệu.

Thanh kiếm miền Nam với mũi nhọn giờ đây đã ở chân Cổ Thành nhưng đuôi kiếm nằm ở dinh Ðộc Lập Saigon. Cây trường kiếm của cuộc phản công với cả 1 hệ thống quân giai rất dài bắt đầu đâm xuống, nhưng tường thành vẫn trơ như đá tảng.
Trong một khoảnh khắc, gánh nặng của quốc gia ngàn cân đè lên vai người chiến binh đại đội trưởng ở tầng lớp dưới cùng.
Trên con đường đi đến chân Cổ Thành, đại đội 51 của Trương đăng Sỹ cùng các chiến binh tiểu đoàn 5, các tiểu đoàn tác chiến, biệt kích dù, đơn vị trinh sát đã đổ ra biết bao nhiêu mồ hôi và xương máu. Ngày nào cũng có tử sĩ và thương binh từ mặt trận chuyển về phía sau. Mỗi thước đất tiến lên đều phải trả bằng nước mắt thương vong..
Trận đánh khốc liệt xảy ra từng ngày. Trên trục tiến quân của đại đội 51 tiểu đoàn 5 nhảy dù, lính của đại úy Trương văn Sỹ đã giải thoát cho hơn 100 đồng bào dưới hầm trú ẩn tại 1 nhà thờ.
Thành Ðinh công Tráng hình vuông mỗi chiều 1/2 cây số, tường cao 5 thước, mặt thành rộng 5 thước, và hào sâu tới cổ, rộng gần 10 thước.
Từ trong thành địch vẫn cố thủ giử vững trận địa. Phía cổ thành tiếp giáp sông Thạch Hãn, cộng sản đưa quân tiếp viện liên tục ngày đêm.
Trung tuần tháng 7 năm 1972, người đại đội trưởng 51 nhảy dù trong vai trò mũi nhọn của cây trường kiếm miền Nam, đứng trước bức tường thành oan nghiệt. Nhiệm vụ sau cùng là dựng được ngọn cờ.
Trận sau cùng của đại đội 51.

Khi đã nhìn thấy Cổ thành, đại úy Trương đăng Sỹ cố gắng thi hành nhiệm vụ. Mười mũ đỏ tình nguyện, ông chọn ra 8 chiến binh. Nhắc đi nhắc lại là các em không phải bắt buộc. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi lên đường. Nhờ bom không quân đánh ngay vào tường thành để mở đường. Tường đổ xuống lấp hào sâu cho tiền sát vượt qua. Hạ sĩ nhất Trần Tâm làm trưởng toán. Hồ Khang là học sinh Quảng trị ngày xưa dẫn đường, chú Hậu mang máy đi với Hồ Con và Lê văn Lịch… tất cả 8 chiến binh với sứ mạng ra đi vào lúc tối trời. Ðại đội trưởng khích lệ đàn em. Những điếu thuốc lá quân tiếp vụ chia nhau trước giờ lên đường. Anh luôn luôn ở đằng sau các em. Chuyến này về sẽ cho đi phép Sài Gòn. Phần thưởng cho nhiệm vụ sống chết mà người chỉ huy cấp dưới chỉ có thể dành cho anh em là mấy ngày phép. Hồ Khang cầm lá quốc kỳ. Máy PRC 25 trên vai chú Hậu. Ðại đội thức suốt đêm theo dõi tin tức của tiểu đội trinh sát mở đường. Hai đại đội của tiểu đoàn 5 nhảy dù sẵn sàng chờ đợi để tiến lên.
Báo cáo của đại úy Trương đăng Sỹ. (1972) (Trích từng đoạn ngắn)
Toán quyết tử âm thầm lao mình vào đêm đen. Tôi thức theo dõi từng bước đi, thỉnh thoảng cho pháo binh bắn yểm trợ, soi sáng và chỉ hướng. Tiểu đội này phải tránh các ổ kháng cự của địch. Nửa đêm, toán quyết tử báo cáo đã tới sát bờ thành và đang tìm cách lội qua hào: “Nước sâu quá” Hậu thều thào trong máy. Tôi gọi pháo binh bắn yểm trợ tối đa vào Cổ thành và xung quanh. Ra lệnh tiền quân sẵn sàng xuất phát. Tờ mờ sáng hôm sau,, bỗng nhiên tôi nghe tiếng la lớn: “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm, Nhảy Dù muôn năm!” Nghe hiệu thính viên đứt khoảng trong máy: “Quốc Kỳ đã được dựng lên!” Liền sau đó tiếng nổ ầm vang tứ phía. Ðại liên 12 ly 8, AK47, B40. bắn xối xả vào một mục tiêu duy nhất lá Quốc Kỳ! Sau đó lại mất liên lạc, tôi nhanh chóng ra lệnh đơn vị xuất phát và gọi pháo binh bắn đạn nổ chụp ngay trên đầu bạn và xin thêm đạn khói bao phủ Cổ thành. Pháo binh địch cũng bắt đầu lên tiếng trả đũa.“ Mưa rơi nặng hột (pháo địch mạnh lắm)” Nhưng cho dù mưa rơi dữ dội cách mấy, tôi cũng phải đi. Tôi phải cứu các đệ tử của tôi. Tôi hối thúc Hồ Tường, 52: “Sắp tới rồi, còn không đầy 100m nữa thôi, nhanh lên”. Tôi và Hồ Tường song song tiến thẳng lên Cổ Thành, xin thêm lá Quốc Kỳ thứ hai. Nhưng thành dày khoảng 5m, cao 5m và được bao bọc bằng hào sâu tới cổ, rộng gần 10m. Không thể tiến quân hàng ngang, tiền quân bị khựng lại, đào hầm hố bố trí và tìm phương thức tấn công. Trên mặt thành, địch phòng thủ vững chắc trong các lô cốt, bắn xối xả vào quân ta. Ðêm hôm đó đành bám trụ cố thủ, cho thám sát mặt nước cũng như kéo xác toán cảm tử còn kẹt trong thành. Quả thật là một đêm kinh hoàng, tôi không thể nào chợp mắt, Xác đệ tử cách mình chỉ vài chục thước chưa kéo về được, bức tường thành kiên cố và hào sâu đầy chướng ngại, làm cách nào thanh toán? Một binh sĩ toán cảm tử chạy về báo cáo: Hồ Khang, Trần Tâm, Hồ Con, Hậu đã tử thương trên thành, số còn lại đều thất lạc! Sáng hôm sau, tôi cho sử dụng hỏa tiễn M72, 4 khẩu châu vào và bắn cùng một lúc với hy vọng phá nổi tường thành, nhưng bờ thành vẫn sừng sững giữa trời…

Ngày N+26, một ngày định mệnh đã xảy đến!
Tôi quyết định đánh bom theo trục Tây Bắc xuống Ðông Nam, nghĩa là đối diện với tiền quân. Một chiến thuật rất nguy hiểm cho quân bạn. Mục đích là muốn lấy gạch đất của thành để lấp hào sâu, làm bàn đạp xung phong. Chiếc khu trục đầu tiên nhào xuống, 2 quả bom rời cánh phi cơ, tất cả đều cúi sát mặt đất, nón sắt che đầu. Rồi chiếc thứ hai lao xuống, thêm 2 quả nữa nổ long trời lở đất, cát bụi tung phủ cả bầu trời. Khi ngẩng đầu lên nhìn trong đám bụi mờ, tôi vỗ vai Hồ Tường: “Thành đã bị vỡ, chuẩn bị xung phong!” Sau khi gọi pháo binh, đầu nổ chụp lẫn chạm nổ, sau đó là 20 tràng đạn khói phủ ngập mục
tiêu. Tôi ra lệnh 2 trung đội đầu bỏ balô tại chỗ, một người cầm lựu đạn, một người cấm súng vượt nhanh qua hào sâu, bám chặt vào góc Cổ Thành đã bị vỡ. Nhờ đất đổ xuống lấp mặt nước hơi cạn, lợi dụng màn khói bao phủ, nên tiền quân vượt qua tương đối dễ dàng. Khi màn khói vừa tan, địch quân bắt đầu trả đũa dữ dội. Nặng nhất là hai lô cốt ở mặt tiền và giữa sân cột cờ Tiểu khu, địch còn ngoan cố trong hầm hố bắn trả rất mạnh. Tôi tung thêm vào thành một trung đội, bung rộng đội hình vừa đào hầm hố, vừa chống cự. Phi cơ quan sát L19 bao vùng báo cho biết địch từ phía Bắc sông Thạch Hãn tràn qua như kiến! Tôi xin pháo binh yểm trợ, một mặt xin phi tuần tiếp tục oanh kích. Trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng như thế, thình lình một tai họa xảy đến. Một quả đạn cối 82 ly nổ ngay hầm chỉ huy. Nói là “hầm” chứ thật ra là một ụ ẩn nấp sơ sài, ngay trước mặt đường là hào sâu vì tôi muốn dễ quan sát tiền quân. Hồ Tường máu me đầy người, 3 hiệu thính viên: một chết, hai bị thương nặng. Riêng tôi cảm thấy cánh tay trái trĩu nặng,
máu đào đã thấm ướt áo trận. Tôi gọi tải thương và y tá băng bó tạm. Còn một tay vẫn sử dụng được Combiné. Lúc đó tôi đã là người say máu. Cho củng cố, phối trí lại lực lượng. Hai đại đội 51 và 52 nhập lại thành một. Ðã kéo về được 3 xác của toán quyết tử: Hồ Khang bị chặt làm 3 khúc nhận ra được vì anh đeo thẻ bài dưới chân, Hồ Con gục ngã, Lê Văn Lịch bị bắn ngay giữa đầu… số còn lại bị thất lạc.
Ra lệnh cho các trung đội trong thành củng cố hầm hố, tôi quyết định cho dựng Quốc Kỳ lần thứ hai. Cờ vàng ba sọc đỏ là mối thù không đội trời chung của Cộng sản, cho nên vừa thấy lá Cờ tung bay là chúng khai hỏa dữ dội, nặng nhất ở giữa cột cờ Tiểu khu Quảng Trị. Hai khẩu 12 ly 8 ở lô cốt mặt tiền hạ nòng bắn xối xả, B40, B41, AK47 châu thẳng vào cột cờ. Quân ta cũng chống trả quyết liệt với quyết tâm giữ vững ngọn cờ! – Tôi gọi L19 lên bao vùng và quyết định dùng bom đánh thẳng vào cột cờ Tiểu khu. Khoảng 10 phút sau, 2 chiếc A37 bán phản lực vào vùng, bay lượn xung quanh và chờ L19 chỉ điểm. L19 bay quá cao để tránh phòng không nên khi lao xuống bắn khói chỉ điểm không được chính xác, Tôi vừa bấm máy gọi Phi Long thì chiếc A37 đã đầu tiên lao xuống, 2 quả bom rơi xuống ngay trung đội tuyến đầu. Tôi thất thanh la lớn: “Check fire ngay lập tức!” Nhưng sát theo sau là chiếc thứ hai lao xuống, 2 quả nữa chấn động cả vùng. Tôi ra lệnh tung khói màu và gọi “check fire”. Ðã trễ rồi! “Phi cơ đã đánh lầm chúng tôi rồi!” Tôi cảm thấy lồng ngực ê ẩm, tay chân nặng trĩu. Cả một bầu trời sụp đổ.. Phân nửa của các trung đội tuyến đầu gần như tê liệt. Nhìn binh sĩ lần lượt tải thương, dìu nhau trở lại mà lòng tôi tê cứng. Sau khi báo cáo về Bộ Chỉ Huy, tôi kiểm soát lại binh sĩ, tạm bố trí chờ lệnh. Chiều hôm đó, Trung Tá Hiếu cho Thiếu Tá Bùi Quyền lên thay để tôi về dưỡng thương. Nhưng tôi biết rõ, nếu tôi về đêm nay và lỡ bị địch tấn công coi như tan rã. Tôi cần ở lại và quyết định từ chối tải thương. Thiếu tá Bùi Quyền cho biết lệnh ngày mai bàn giao Cổ Thành lại cho Thủy Quân Lục Chiến để nhảy dù nhận nhiệm vụ khác. Tôi không thắc mắc, vì thật ra tôi chỉ còn là một cái xác không hồn, đau thương, uất nghẹn..
( Trích đoạn báo cáo của đại đội trưởng 51, TÐ 5ND.)
Lời cuối cho một bài toán lịch sử:

Bài viết về bức tường thành oan trái lần này đã trả lời hai câu hỏi 37 năm qua chưa được giải đáp. Tại sao Nhảy Dù lại phải bàn giao trận Cổ Thành cho Thủy quân lục chiến và, trong tuần lễ cuối cùng, thực sự Nhảy Dù đã lọt vào được Cổ Thành chưa? Câu hỏi thứ nhất, trung tướng Nguyễn văn Thiệu đã để lại câu trả lời. Thủy quân lục chiến có trách nhiệm, nếu không để cho họ hoàn tất thì về sau làm sao đánh giặc.
Câu hỏi thứ hai được trả lời bằng bản báo cáo viết bằng máu và nước mắt của người đại đội trưởng 51 nhảy dù cùng với những chiến binh mũ đỏ hy sinh trong bức tường hành oan trái, một ngày trước khi thay quân. Cựu Sinh viên sĩ quan khóa 21 võ bị Ðà Lạt Trương đăng Sỹ mới từ Bình Long anh dũng đi ra đã mang trọng trách dựng lá cờ cho Trị Thiên vùng dậy. Sứ mạng bất thành sau khi bị thương nhẹ lại về đánh trận Barbara tại Trường Sơn. Lần này bị thương nặng về nằm bệnh viện Ðỗ Vinh, nhận lon thiếu tá. Trong khi đó, định mệnh đưa đẩy, đại úy Giang văn Nhân, cựu sinh viên Ðà Lạt khóa 22, đại đội trưởng đại đội 2, tiểu đoàn 3 Thủy quân lục chiến thay thế khóa đàn anh, đem quân vào dứt điểm Cổ Thành. Lá cờ chiến thắng tung bay trong tay TQLC vào tháng 9-72 đã rũ bỏ kỷ niệm đau thương của cuộc lui binh tháng tư-72.

Cổ Thành Quảng Trị

Cổ Thành Quảng Trị

Nhưng sau cùng, ba năm sau, ngày tang chung của dân tộc là tháng tư-75. Cả hai cựu sinh viên sĩ quan khóa 21 và 22 . Cả hai đại đội trưởng dù và thủy quân lục chiến đều có chung những ngày thương khó. Cùng đi tù tập trung cải tạo. Cùng vượt biển tìm tự do. Ngày nay, ông Trương đăng Sỹ, 67 tuổi đã về hưu, định cư tại Úc châu. Ông Giang văn Nhân trẻ trung hơn đôi chút, vẫn còn đi làm, sống với gia đình tại Texas, Hoa kỳ.
Hình ảnh của cả hai đại đội trưởng, một dù và một thủy quân lục chiến đều sẽ có mặt trong cuốn phim Quảng Trị như một bức thông điệp anh hùng gửi cho thế hệ tương lai.
Giao Chỉ, San Jose

Comments

Popular posts from this blog

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn