June 28, 2024 Những tháng ngày buồn vui, PT
Những ngày tháng buồn vui..
Phương Tuấn
Nay thời gian đã gần nửa thế kỷ, nhìn lại để thấy xót xa cho vận nước, cho tỉnh nhà. Bao nhiêu đau thương đã đổ xuống Miền Nam thương yêu, và cho gia đình mỗi chúng ta nói riêng.
Chiều ngày 29/4/1975, nhìn lên bầu trời, từng chiếc, từng chiếc trực thăng nhắm hướng biển Đông bay đi. Lòng tôi xốn xang, ước chi có gia đình tôi trên đó. Người Saigon hối hả ngược xuôi, chạy tới, chạy lui để thoát con tàu đang sắp chìm. Đi đâu, đường nào?
Đài phát thanh Saigon ra rã lời tuyên bố của chính quyền đuổi người Mỹ và cơ quan DAO phải rời thủ đô trong vòng 24 giờ.
Saigon có lệnh thiết quân luật nhưng đâu có ai nghe.
Sáng ngày 30/4/1975 đang bàng hoàng lại nghe tin ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng “người anh em”. Chẳng biết ai là “người anh em”? Quả thật có người anh em của ông Minh hay của dân Miền Nam không?
Bên ngoài đường phố, tăng T54 cắm cờ nửa xanh nửa đỏ, xả hết tốc lực từ hướng Chợ Lớn chạy về trung tâm Saigon. Những tên nhãi con mang băng đỏ trên cánh tay trái, chạy trên các xe Jeep vừa chạy vừa bắn lên trời.
Tối hôm đó nằm trong nhà không ngủ được, lòng sầu vô hạn khi nghe Đài phát thanh Saigon nay thành đài Giải Phóng hát bài :”Bão nổi lên rồi”. Lòng tôi như muốn điên.
Và cũng trên đài Saigon Giải Phóng, Trịnh Công Sơn hát bài “Nối vòng tay lớn”. Nối với ai đây?
Chiều 1/5/1975 đang ở nhà có người đâu chạy lại cho biết tin người bạn thân của tôi, anh Tân , ngày xưa cùng học trung học, đang bi thương nằm trong bệnh viện Đô Thành. Tôi chạy vào thấy anh đang nằm trong Phòng Lựa Thương, chẳng có bác sĩ hay y tá ở cạnh, trên đầu giường treo một chai nước biển Ringer lactate đang nhỏ giọt.
“Tân sao vậy, sao nằm ở đây tội nghiệp quá?”
“Tân vào Khoa Học Đại Học xem thử tuần này có mở cửa giảng dạy chi không. Khi ra khỏi cổng trường, ngay trước trường là đường Cộng Hòa, một chiếc Molotova chạy đúng chiều, một chiếc chạy ngược chiều, tông nhau và xe Lambretta của Tân bị kẹt giữa hai xe đó.”
“Tân bây giờ đau ở đâu?”
“Bụng mình đau lắm”
“Tân nằm đợi chút, mình đi tìm bác sĩ trực”.
“Bạn đi mau về”.
“Ừ mau về”.
Tôi chạy lên lầu hai, may quá gặp bác sĩ Luân là bác sĩ cơ hữu của bệnh viện. Thế là ngay tối hôm đó, sau khi đã cho Tân đủ máu và nước biển, chúng tôi đưa Tân vào phòng giải phẫu. Tôi phụ mổ cho bác sĩ Luân và bác sĩ Watanabe người Nhật gây mê. Tội nghiệp Tân. Ổ xoang bụng ngập đầy máu, các bộ phận bị dập, chưa kịp đóng xoang bụng, bác sĩ gây mê cho biết mạch và áp huyết tụt không còn bắt được. Tân “ra đi” ngay trên bàn mổ.
Tân còn trẻ lắm, mới cưới vợ chưa tới 5 năm, vừa có hai đứa con một trai chưa tới một tuổi và một gái 4 tuổi. Tân là nhân viên trong ban giảng huấn Đại Học Khoa Học, giảng viên về vi tính, là một trong những người đầu tiên học vi tính ở Saigon, và Tân có tên trong ban soạn thảo kế hoạch xây metro cho thủ đô Saigon.
Tôi thương Tân như em ruột, vì Tân hiền lành, vui vẻ, thương ai hay giúp ai điều gì, Tân hết lòng, không ngại khó khăn, thì giờ của mình.
Tân ra đi tức tưởi khi tương lai tươi sáng trước mặt, và tội nghiệp vợ chưa tròn 29 tuổi.
Tối 1/5/1975 đó, buồn quá . Nhà bên hàng xóm mở đài Saigon Giải Phóng, lại bài hát “Bão nổi lên rồi”, lòng tôi cũng như bão nỗi. Tôi chưa đi vào thế giới tâm linh nên chưa được nếm hoan lạc của Thiên Đàng hay đau khổ của Địa Ngục, nhưng quả thật tối hôm đó tôi đã thấy địa ngục trần gian ngay trong tâm tôi. Quê hương Miền Nam của tôi trong phút chốc sụp đổ, không cơ cứu vãn và gia đình bạn tôi tang thương vì cái chết đột ngột đau thương của Tân tôi thương.
Ngày 2/5/1975, xác Tân được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, cùng một phòng với tướng Phạm văn Phú tuẫn tiết ngày hôm trước. Trong không khí trang nghiêm và mùi trầm hương cùng cảnh tịch mịch của chùa lòng tôi chùng xuống, nghĩ đến sự vô thường của đời người, mặc dù trong đời thầy thuốc qua chín năm trong quân đội săn sóc các thương binh tôi đã thấy không biết bao nhiêu sự hy sinh và ra đi của các anh chiến sĩ Miền Nam, nay khi chính sự mất mát đó đến với ngay gia đình Tân, người bạn tôi thương.
Quả thật “Mất Nước thì Nhà Tan”, thấm thía bốn chữ đó.
Ngày 5/5/1975 cha tôi muốn tôi và em gái tôi đưa ông về Đà Nẵng thăm lại căn nhà . Tôi phải đi mua xăng. Chỉ sau có 5 ngày, xăng đã vô cùng quý hiếm, chúng tôi phải đem theo hai can xăng bỏ sau cốp xe.
Chúng tôi thay phiên nhau lái từ sáng 8 giờ ngày hôm 5/5/1975, theo quốc lộ I mà đi. Tội nghiệp chiếc xe Volkswagen 15 tuổi lội qua những con sông đầy đá lởm chởm, vì các con cầu đã bị phá sập trên đường về quê tôi. Rất may tháng 5 năm đó các dòng sông đều cạn nước, nếu không phải quay trở về Saigon. Tối hôm đó xe lên đèo Rù Rì, chỉ có mình xe tôi đi ngược ra Đà Nẵng và các xe quân sự lớn của bộ đội miền Bắc kéo các hỏa tiển Sam trở ra Bắc. Tôi như đang ở cõi mộng mơ, cảm thấy mình cô đơn, xa lạ ngay trên quê hương mình, khi chỉ mới mấy ngày trước đây tôi là công dân của Miền Nam. Nay một tương lai u ám, ảm đạm đang chờ tôi. Đi trong đêm tôi nghĩ rằng kể từ nay cuộc đời tôi cũng như chiếc xe đang leo dốc, mệt nhọc trong đêm tăm tối này. Suốt dọc quốc lộ thấy rất ít xe, hầu như không thấy mấy ai trên đường, nếu có cũng chẳng thấy một nụ cười hay một khuôn mặt hớn hở. Quê hương tôi thống nhất sao đau buồn quá đi thôi.
Đến đầu địa danh Quảng Nam vào lúc 6 giờ sáng ngày hôm sau, xe chúng tôi bị chặn lại bởi một anh du kích mang băng đỏ trên cánh tay trái, tuổi chừng 15, nhỏ con, tay cầm AK, khoát tay không cho chúng tôi đi tiếp, bảo phải quay lại Saigon. Phải năn nỉ gần nửa tiếng đồng hồ, xe mới được cho đi.
Thành phố Đà Nẵng khác xưa nhiều quá. Rất vắng vẻ. Các con đường ngày xưa tôi đã thân quen, nhộn nhịp nay không còn xe cộ gì, chỉ thấy thỉnh thoảng vài người đi xe đạp trên đường, vẻ mặt buồn hiu.
Nhà ba tôi vẫn vậy, nhưng đã bị một gia đình người cháu theo Việt Minh ngày xưa nay về chiếm ngụ. Buồn thay.
Tôi hôm đó ba tôi, em gái và tôi, qua nhà hàng xóm ngủ nhờ. Không khí thành phố ảm đạm, buồn thiu, và hãi hùng, nên sáng hôm sau chúng tôi mua vé xe đò rời Đà Nẵng. Chiếc xe bỏ lại vì không mua được xăng. Tội nghiệp chiếc xe tôi thương như một con ngựa đã ở với tôi gần 5 năm trời chưa bao giờ để tôi nằm đường. Tôi bỏ của chạy lấy người.
Một hôm có người bạn đến nhà thăm, anh là bác sĩ phục vụ trong Hải Quân Vùng I trước 30/4/1975. Tôi hỏi:
“Anh có nghĩ là bọn mình đi học tập 10 ngày, như thông cáo không?”
Anh gãi cằm , từ tốn bảo:
“Tôi ở với mấy ổng chín năm ở Liên Khu 5, nên tôi biết, chắc không phải vậy đâu, nhưng bây giờ mình đâu có cách nào khác”.
Thế rồi ngày 26/5/1975, tôi chở vợ tôi ngồi sau xe đạp cầm theo giỏ xách áo quần của tôi, đến trường Marie Curie đi trình diện. Bà xã tôi đạp xe về nhà.
Vừa qua khỏi cổng trường tôi mới biết mình chuyến này đi tù thực sự rồi. Không có tội lỗi gì bỗng trở thành người tù khi chưa tròn 37 tuổi.
Đi tù về tôi gặp anh Năm Thanh (tên đã đổi), anh là giám đốc y tế thành phố sau 30/4/1975. Anh bảo tôi nộp cho anh một sơ yếu lý lịch. Đọc xong anh bảo:
“Không có gì quan trọng, ngày mai em đi làm cho anh.” Bạn bè tôi đi tù về, anh đều nhận cả. Nhà anh sát nhà tôi, chỉ cách có con đường. Một tối tôi ghé thăm anh.
Tôi hỏi:"Anh Thanh, 5 năm nữa xã hội chúng ta đang sống đây sẽ ra thế nào?” Anh cười:
“Bây giờ chúng ta đi xe hơi, 5 năm nữa chúng ta sẽ tiến lên đi xe bò. Trong Nam có cơ hội sao em không đi? Anh về Saigon ngày 2 tháng 5 bảo gia đình anh, ai đi được nên đi, không sống được đâu.”
Tội nghiệp, chỉ làm với anh được mấy tháng ở Quận 1 Saigon, sau đó anh bị thuyên chuyển về quận 11 và tôi không còn gặp lại anh từ ngày đó.
Sau đợt đánh tư sản và hai lần đổi tiền, Saigon nghèo hẳn đi. Tại phòng khám của Sở Y Tế tôi làm việc, có nhiều bác sĩ, nhưng không ai được mở phòng khám ngoài giờ để kiếm sống, trừ bác sĩ Trần Tấn Trung, lý do là anh 60 tuổi, đến tuổi về hưu.
Không sống nổi với đồng lương, tôi thành bác sĩ làm chui ban đêm. Đa số bệnh nhân của tôi người gốc Hoa tại Quận I. Nếu ai có bệnh, người nhà đến nhà tôi khoản trước 8 giờ tối và cho tôi địa chỉ. Thế là tối hôm đó, tôi chở con gái 10 tuổi ngồi sau yên xe đạp, giử giỏ đựng dụng cụ y khoa. Phố xá khu người Hoa ban tối vắng vẻ, không bóng người ngoài đường. Khi gõ cửa, người nhà bệnh nhân kéo cánh cửa sắt cho cha con tôi vào, cũng sợ. Thầy thuốc đi thăm bệnh nhưng tôi có cảm tưởng mình là tên ăn trộm. Cuộc đời nay đảo điên, đành chấp nhận. Toa thuốc cứ ra chợ trời, thuốc gì cũng có, giá đắt thôi.
Một thời gian sau tôi được Sở Y Tế đưa về làm bác sĩ trưởng của Phòng Khám Y Dược Học Dân Tộc Quận 1 Saigon. Từ một thầy thuốc Tây Y tôi thành bác sĩ Đông Y vì có nghiên cứu về Đông Y và Châm cứu. Tại cơ sở này có một y sĩ Đông y . Cô là con một ông tướng Việt Cộng được đi học châm cứu tại Bắc Kinh hai năm. Cô người Bắc, ăn nói nhẹ nhàng, biết kính trên nhường dưới. Cô bảo người Trung Quốc họ giấu nghề, không cho cô học châm tê và châm gây mê. Ngoài ra còn một vị thầy tu một chùa ở Đakao về đây vì ông là thầy thuốc Nam. Thầy đúng là bậc chân tu, ăn nói rất khiêm nhường, hiền lành.
Tôi có ba y tá, hai nữ, một nam. Hai cô là sinh viên đại học, một văn khoa, một luật khoa. Tôi dạy các y tá về châm cứu, họ học rất nhanh vì có trình độ đại học.
Cuộc đời chỉ cho tôi một trái chanh như Dale Carnegie đã nói, tôi cố gắng làm một ly nước chanh ngon ngọt cho các bệnh nhân tôi thương mến và cho chính bản thân tôi. Bệnh nhân khá đông. Trên các sổ khám bệnh, tôi ghi hồ sơ bệnh lý, ghi định bệnh, cách chữa trị, tên các huyệt đạo. Làm dấu các huyệt đạo trên người bệnh nhân và chỉ cho các y tá châm vào các huyệt đạo đó. Tôi dùng rất ít các huyệt đạo, càng ít càng tốt.
Tôi vừa dùng thể châm và nhĩ châm (Châm ở vành tai). Vành tai có tất cả các huyệt đạo trong thân thể con người.
Châm cứu là một phần của Đông y, cũng dựa trên lý thuyết Âm Dương, và nguyên lý Ngũ Hành tương sinh, tương khắc. Kinh nghiệm cho thấy, châm cứu rất hữu hiệu để cắt một cơn hen suyễn, trị rất nhanh Bell’s Palsy, và giúp bệnh nhân chóng hoàn phục sau cơn tai biến mạch máu não. Đây là những gì tôi cảm nhận được khi hành nghề Đông y.
Khoản năm 1966 tôi tìm đọc các “Các Y án của Hải Thượng Lãn Ông”, ông tổ của Y học Việt Nam.
Lãn Ông là người thầy thuốc đã đưa ra những Y Âm Án, trong cuộc đời chữa bệnh của mình, không phải là những thành tựu để khoe khoang, nhưng những thất bại, định bệnh sai trong khi hành nghề. Ít ai có dũng khí đó của người thầy thuốc. Ông quả là người khiêm tốn biết học từ cái sai của mình.
(Phần viết sau đây về Hải Thượng Lãn Ông, tôi tìm trong "net")
Hải Thượng Lãn Ông tên khai sinh là Lê Hữu Trác, danh y sống ở thế kỷ XVIII. Ông sinh năm 1720 trong một gia đình gồm 7 người con tại một làng quê thuần nông ở huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Do dòng tộc vốn có truyền thống khoa bảng nên ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã sớm chăm chỉ đèn sách để kế nghiệp cha (ông Lê Hữu Mưu – Đệ tam giáp Tiến sĩ), và ông nội.
Năm Kỷ Mùi 1739, khi đang giữ chức Ngự Sử tước Bá trong triều đình, cha của Lê Hữu Trác qua đời. Lúc này, ông phải rời kinh thành để về quê nhà vừa chăm nom gia đình vừa đèn sách mong nối nghiệp cha, tiến thân bằng con đường quan lộ.
Nổi tiếng thông minh, được theo cha học từ sớm, nên Lê Hữu Trác uyên bác ở nhiều lĩnh vực. Nhưng thế kỷ XVIII là giai đoạn xã hội vô cùng rối ren khi các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.
Một năm sau khi cha mất, Lãn Ông nghiên cứu binh thư, võ nghệ, nhằm tòng quân. Ít lâu sau, Lê Hữu Trác nhận ra chiến tranh chỉ khiến con người thêm đau khổ, ông chán nản xuất ngũ trở về Hương Sơn với lý do chăm sóc mẹ già và cháu nhỏ và học nghề thuốc.
Trong suốt sự nghiệp chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác luôn tận tụy, hết lòng vì người bệnh, không quản ngại nắng mưa. Vì vậy ông rất được dân chúng yêu quý, người đời kính trọng.
Sau nhiều năm cống hiến cho ngành y, Hải Thượng Lãn Ông qua đời năm 1791 tại Hà Tĩnh ở tuổi 71. Phần mộ của ông hiện ở khe nước cạnh chân núi Minh Từ huyện Hương Sơn.
Sinh ra trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, Hải Thượng Lãn Ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân khi vừa phải chịu nạn giặc, đói rét, và bệnh tật. Sau khi rời quân ngũ (1746), Lãn Ông bị ốm nặng. Mặc dù đã được người nhà đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng 2-3 năm liền không khỏi.
Không lâu sau đó, ông được người mách tìm đến thầy thuốc Trần Độc để chữa trị trong suốt 1 năm. Đây cũng là khoảng thời gian Lê Hữu Trác bắt đầu yêu nghề y, ông nghiên cứu nhiều tác phẩm y học Trung Hoa và nhanh chóng tìm hiểu được chân lý chữa bệnh.
Nhận thấy điều này, thầy thuốc Trần Độc đã đem hết những hiểu biết về y học cổ truyền dạy lại cho ông.
Năm Bính Tý 1756, Lê Hữu Trác đến kinh thành để tìm thầy học thêm nhưng không tìm được thầy giỏi nên đành trở về Hương Sơn. Tại đây, ông vừa học tập nghiên cứu vừa chữa bệnh cứu người. Sau 10 năm, tên tuổi của Lê Hữu Trác nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu, khi ấy người ta gọi ông là Hải Thượng Lãn Ông – ông lười Hải Thượng.
Năm 1782, Lãn Ông được triệu vào phủ Chúa Trịnh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Trong khoảng thời gian này, ông bị không ít ngự y ghen ghét đố kỵ nhưng không hề nảy sinh thù hận, chỉ cố gắng tập trung trị bệnh cho thế tử để mau chóng rời kinh thành.
Ít lâu sau đó, Chúa Trịnh qua đời, thế tử Trịnh Cán nối ngôi. Nhân lúc triều đình có người tiến cử thái y mới, Lê Hữu Trác viện cớ tuổi già lui về quê.
Ông chính là người đúc kết tất cả các tinh hoa của y học cổ truyền Việt Nam và để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đến ngày nay. Nổi bật nhất là bộ sách Y Tông Tâm Lĩnh và Thượng Kinh Ký Sự.
Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập và 66 quyển viết về: Y lý, Y thuật, Y đức, Dược học, và Dinh dưỡng. Tác phẩm kế thừa quan điểm chữa bệnh của Thiền Sư Tuệ Tĩnh “Nam dược trị Nam nhân” với sự bổ sung hơn 300 vị thuốc Nam, thu thập hơn 2854 bài thuốc lưu truyền trong dân gian.
Y Tông Tâm Lĩnh được soạn thảo trong 10 năm, là sự kết tinh tài năng, kinh nghiệm và quan điểm chữa bệnh của Hải Thượng Lãn Ông. Trong đó, quyển Y Dương Án là tác phẩm kể lại các ca cứu chữa thành công.
Ngoài ra, bộ sách cũng có hệ thống bản khắc in trên gỗ thị từ thời vua Tự Đức. Bản in gỗ có tất cả 2209 mặt, mỗi mặt có 16 dòng và mỗi dòng có 21 chữ.
Bên cạnh Y Tông Tâm Lĩnh với các nội dung xuất sắc về y học, Lê Hữu Trác còn thể hiện tài năng văn chương xuất sắc khi viết cuốn "Thượng Kinh Ký Sự" dưới dạng nhật ký.
Thượng Kinh Ký Sự viết bằng chữ Hán, ghi chép lại những sự kiện tại phủ Chúa khi được mời ra kinh thành chữa bệnh.
Đây được xem là tác phẩm văn học quý giá. Ông tả đời sống xa hoa trụy lạc tại phủ Chúa Trịnh những năm cuối thế kỷ XVIII.
Khi lên năm thứ 6 Y khoa, sắp ra trường, tôi tìm hiểu Đông y. Đây là một thế giới kỳ thú. Đông y thiếu thực nghiệm, nhưng những người tiên phong như Hoa Đà, Biển Thước, Hải Thượng Lãn Ông, đã đi vào suy niệm để hiểu con người là một vũ trụ nhỏ. Nếu trái đất có ban ngày và ban đêm, có mặt trời và mặt trăng, có sáng và có tối, có trắng và có đen, vũ trụ nhỏ bé là con người cũng vậy, có Âm và có Dương. Họ nhìn con người là một tổng thể và khi trị bệnh không chú trọng quá nhiều đến cơ quan nào trong cơ thể con người, nhưng nhìn đến gốc rễ của căn bệnh. Đó là khi Âm và Dương mất quân bằng, và từ định lý Ngũ Hành (Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy) tương sinh, tương khắc, họ tìm ra căn bệnh, và lối trị bệnh.
Châm cứu là một phần của Y học Đông phương. Các bác sĩ Pháp thời gian đầu thế kỷ 20 cũng đã để ý đến nền y học Đông phương. Tôi đọc được cuốn luận án của một bác sĩ Việt ra trường tại Đại Học Y Khoa Paris: “L’acupuncture dans la Médecine Chinoise” (lâu quá không còn nhớ tên vị bác sĩ này) và những sách của Nhật trong đó có cuốn TSUBO: Oriental Therapy by Katsusuke Serizawa, nhưng có lẽ cuốn hay nhất vẫn là cuốn Y Tông Tâm Lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông.
"
Một kỷ niệm thật nhỏ thời thơ dại. Ngày đó mẹ đau, thầy thuốc bắt mạch kê toa. Mẹ bảo tôi :”Con ghé Vạn An Đường “ bổ cho mẹ ba thang thuốc. Lấy niêu sắc thuốc cho mẹ, lần đầu ba chén nước, con sắc lại còn 7 phân, lần thứ hai 2 chén nước, con sắc lại còn 5 phân.” Ngày đó tôi là thằng bé chưa được 10 tuổi sao mẹ lại sai tôi đi mua thuốc về sắc thuốc cho mẹ, thay vì bảo chị tôi trên tôi hai tuổi làm chuyện đó? Đến nay tôi vẫn chưa hiểu nhưng ngày đó vẫn theo lời mẹ dặn, tôi đến tiệm thuốc Bắc trên đường Hùng Vương, tiệm thuốc của các chú người Hoa. Vào đây để nghe mùi thuốc Bắc thơm lừng , và thằng bé tung tăng xách ba gói thuốc về. Đầu tiên lấy cái bếp than bằng đất sét nung, bỏ than vào, bỏ những cành củi nhỏ dưới than, quẹt diêm, khi than bắt đầu bắt lửa, quạt nhẹ cho than cháy. Nhớ lời mẹ dặn 3 chén nước cho vào niêu sau khi đổ thuốc vào, khi thuốc bắt đầu sôi, hạ sức nóng của than xuống bằng cách đổ tro trên mặt than, cho thuốc sôi từ từ cho ra chất thuốc. Ngày đó ham chơi lắm, nhưng không có lần nào sắc thuốc cho mẹ bị cạn quá 7 phân như lời mẹ dặn.
Đời tôi có lẽ phải dính vào nghề y hay sao, vì từ lúc còn trẻ đã đau hai trận thập tử nhất sanh. Tôi không đi con đường Sinh, Lão, Bệnh, Tử theo thứ tự này, nhưng đi con đường Sinh, Bệnh, Lão, Tử.
Ngày tôi được 6 tháng còn đang bú mẹ, mẹ đau, thổ huyết, ngày đó bác sĩ Trần Đình Nam là thầy thuốc của mẹ, ông bảo mẹ phải cách ly tôi vì sợ lây. Tôi được giao cho vú Liên nuôi. Vú thương tôi, nhưng đâu có biết nuôi tôi, hể tôi đói, vú cho tôi ăn bánh quy, ngoài ra không có gì khác. Sáu tháng sau, mẹ nhìn lại tôi, thấy tôi phù cả người vì suy dinh dưỡng tưởng phải chết. Vì vậy tôi chậm lớn.
Đến năm 15 tuổi đậu Brevet xong không biết tôi ăn phải thứ gì bị đau ruột. Những ngày hè đó tôi ở nhà bà cô ruột tại Saigon, nên đến một bác sĩ tại đường Phạm Ngũ Lảo ngay bùng binh chợ Bến Thành. Ông bảo tôi bị kiết lỵ nên chích cho tôi Émétine và cho uống Stovarsol. Cũng không bớt. Tôi về lại quê. Quê tôi có 5 người thầy thuốc Tây Y. Đầu tiên tôi ghé phòng mạch Trần Đình Nam. Phòng mạch ông ngay tại góc đường Marc Pourpe và Pasteur. Ông là y sĩ Đông Dương. Ông hay chọc thằng bé con là tôi bằng cách gọi tôi là “Tiên sinh”.
"Hôm nay tiên sinh đau cái gì?"...
Ông có chiếc Citroen để trong garage nhưng chẳng bao giờ đi. Chiều chiều ông đi bộ quanh mấy con đường gần nhà. Độc thân, ông không có y tá nữ, chỉ có một y tá nam, nên nhiều người xấu miệng nghi ông là “gay”, chắc không phải đâu.
Đi ông Trần Đình Nam không khá, tôi theo bác sĩ Tôn Thất Đạm, ông xuất thân trường Y nổi tiếng của Pháp: Faculté de Medecine de Montpellier. Phòng mạch ông nằm trên đường Đỗ Hữu vị. Ông khám bệnh bài bản, đúng cách của một người thầy thuốc học hành đàng hoàng. Ông dặn dò cẩn thận. Mỗi khi cho toa ông dở sách thuốc xem lại liều lượng. Tốt như vậy nhưng căn bệnh gọi là “kiết lỵ” của tôi cũng không bớt, thêm vào chứng mất ngủ, 9 giờ tối tôi đã vào giường , nhưng có đêm chỉ ngủ được một hay hai giờ, có đêm thức trắng.
Ngoài hai chứng này, tôi rối loạn nhịp tim, hễ nằm xuống nhắm mắt định ngủ là chóng mặt như người đưa võng, cảm thấy ngộp nên không ngủ được.
Phòng mạch bác sĩ Tôn Thất Đạm rất ít khách, nghe nói sau này ông qua Lào hành nghề bên đó.
Người thầy thuốc thứ ba tôi đi là Lê Nguyên Cát, Y sĩ Đông Dương. Phòng mạch ông đông không thể tả, nên ông khám bệnh khác bác sĩ Đạm. Thanh niên và đàn ông sắp hàng dài, cởi áo, đứng trước bàn khám. Ông vừa khám bệnh vừa thâu tiền, xong ông viết gì trên một miếng giấy nhỏ, đưa cho bệnh nhân, bệnh nhân ghé qua cô y tá chích thuốc. Ngày nào cũng phải trở lại để khám và chích thuốc. Hai bên mông của tôi chai cứng vì nhận mỗi ngày hai mũi thuốc, không biết thuốc gì. Ông bảo tôi bị thiếu màu nên cho uống Hepatrol. Đây là những ống thuốc bổ máu, phải cưa một đầu ống thuốc, bẻ cho nó gãy, xong chúc ống thuốc vào ly, cưa đầu ống kia, thuốc sẽ chảy vào ly. Ông bảo tôi bị đau tim , nên mỗi ngày phải uống 20 giọt Coramine…
Có một lần tôi đau sưng cùi chỏ, ông bảo tôi bị Rhumatisme và cho uống ngày 3 viên Salicylate, đó là những viên tròn dẹp, màu hồng. Nay tôi nghĩ chắc là cùng loại Aspirin, nhưng ông thầy quên dặn tôi uống khi ăn cơm. Sau một thời gian, bụng tôi sình hơi ăn không được, thêm chứng đau bao tử. Ôi thôi đủ bệnh. Buồn quá. Tôi mơ ước được khỏe mạnh bay nhảy như những đứa cùng tuổi nhưng không được. Thời gian đó tôi ghé nhà sách duy nhất ở Đà Nẵng, nhà sách Ngày Mai kiếm mua xem có cuốn nào nói về bệnh tật và cách chữa trị, nhưng chẳng có cuốn nào, ngoài cuốn "Bắp thịt trước đã", của bác sĩ Nguyễn văn Tươi. Một hôm tôi đọc được đâu đó một bài báo nói rằng ánh sáng mặt trời chữa được nhiều bệnh, thế là tôi lên sân thượng phơi nắng.
Ba năm sau ba tôi đưa tôi vào bệnh viện Grall. Tôi vào buổi sáng , tối hôm đó được bác sĩ Commandant Vuillet, (quan Tư), gọi tôi vào phòng làm việc của ông, hỏi bệnh lý, khám bệnh xong, ông lấy một rigid sigmoidoscope cho vào hậu môn và lấy ra một ít phân, và qua kính hiển vi, ông bảo ruột già của tôi chẳng còn con vi trùng xấu hay tốt gì. Ông cho tôi qua phòng quang tuyến chụp hình bao tử. Ông bác sĩ quang tuyến này thật dễ ghét. Đứng trong máy quang tuyến , ông bảo tôi uống cho hết một ca baryte. Ông bảo: "Vite, vite, plus vite".
Mỗi ngày có cô y tá đến giường chích thuốc. Chắc cô này học y tá đúng hơn, cô trạc 16, 17 tuổi đi cùng cô bạn cùng tuổi. Trước khi chích thuốc cô nói với cô bạn:"C'est un type qui contracte les muscles" .(Đây là một tên hay co bắp thịt khi chích) Cô mới học chích thuốc, chích đau thấy mồ, sao không co bắp thịt được?
Sau ba tuần lễ nằm tại Grall, Commandant Vuillet cho tôi xuất viện, bảo chẳng thấy có gì quan trọng phải ở lại. Ông dặn hể tiêu chảy uống 20 giọt Laudanum. Sau này tôi mới biết đó là thuốc phiện. Ông cho thêm Actilevure, mỗi ngày uống hai ống. Thế rồi vài tháng sau tôi hết bệnh và đi học lại.
X
X X
Những năm 1977, 1978, 1979 quê hương tôi buồn .
Trần Dần ngày xưa có viết:
“Tôi cứ đi không thấy phố, không thấy nhà,
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ…”
Thành phố Saigon của tôi ngày đó tràn ngập các bảng hai màu vàng và đỏ chói mắt và các biểu ngữ thật lớn sơn trên các tường “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”. Tôi bỗng thấy buồn cười, một con người đi nhanh và đi mạnh làm sao vững chắc được, vấp phải đá là ngã ngay. Cứ thế cuộc đời trôi qua thật chậm trong buồn chán. Đi đâu cũng nghe bạn bè rỉ tai, người này vượt biên lọt, kẻ kia bị bắt...Ngày đó tôi có hai người bạn, chị Mai dược sĩ cùng làm chung với tôi tại phòng y tế, ngày trước học cùng lớp , nay không biết chị ở nơi đâu, và chị Điệp cũng dược sĩ bán thuốc của sở Y tế cho phòng khám khu vực của tôi, nay gia đình chị ở Canada, ngày đó thường gặp hai chị bàn chuyện vượt biên.
Mới đó mà thời gian qua gần 50 năm. Năm mươi năm có vui, có buồn, có sầu thảm, có chết chóc, có chia ly , có nước mắt, có tiếng cười, và luôn luôn có hy vọng...Nếu loài người chúng ta không có hy vọng làm sao sống trên trần gian tràn đầy khổ ải này. Với thời gian, vết thương ngày xưa mưng mủ nay đã lành miệng, chỉ còn lại vết sẹo. Những người ghét chúng ta hay những người thương yêu chúng ta cũng đã lần lượt từ bỏ trần gian này ra đi. Thời gian tuyệt diệu đã xóa bỏ tất cả những gì chúng ta nghĩ không thể xóa được. Con người nhờ vậy mới sống được.
Bỗng dưng tôi nhớ đến người bạn cùng lớp Phạm Đình Vy, anh đi tù cùng lúc với tôi. Anh qua Pháp không hành nghề Tây y, nhưng hành nghề châm cứu rất thành công. Liên lạc với anh một thời gian qua thư tù, bỗng tôi mất tin anh, cho đến khi được biết email của anh, đã quá trễ anh đau nặng không hồi âm cho tôi được. Vy ơi, nhớ Vy lắm. Vy còn nhớ cục đường tán đen thui Vy cho mình trong trại tù không? Có lẽ đây là món quà quý giá nhất trong đời mình nhận được từ một người ban. Chào Vy nhé, vẫn nhớ mãi Vy qua mỗi đêm cầu nguyện. Nay Vy đã ở miền hạnh phúc vĩnh cửu, như cánh chim bay bỗng mà ngày nào trong trại tù hai đứa nằm trên mui chiếc xe Jeep phế thải sau giờ lao động, Vy đã nói với mình, Vy mơ làm cánh chim bay vào vùng trời tự do...
Các bạn của tôi ơi, hãy quên đi những buồn phiền, đừng để lòng mãi hận thù, để lòng chúng ta nhẹ gánh vui bước những bước còn lại trên trần gian này.
Comments
Post a Comment