June 30, 2024 Tâm sự của người bán cá, Uyển Ca.
Hồi còn nhỏ, nói là nhỏ chứ cũng khá khá rồi, tức mười mấy tuổi, tôi luôn bị ám thị bởi một câu hỏi trong đầu “Sao phụ nữ Việt Nam người ta mạnh mẽ đến kinh khủng như vậy, dùng xe đạp chở cả mấy tấn?!”. Sau này lớn lên, học lịch sử, thêm phần tải đạn ở chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa, lại củng cố niềm tin, bởi có người tay không nắm càng trực thăng, quật một phát, máy bay lảo đảo rồi rơi, có người dùng xe đạp chở đến mấy thùng đạn cannon, tức vài tấn… thiệt là khôi hài! Đó là chuyện nghe và học thời ấy, còn bây giờ, những tâm sự của người bán cá lại thật và gần gũi hơn, không hoa lá cành như bài học lịch sử xã hội chủ nghĩa.
Ai mua cá heo không?
Chính cái câu rao này đây, nó làm tôi liên tưởng đến một người phụ nữ với cái nón lá hơi cũ, mặc bộ bà ba cũ, đi chiếc xe đạp cũng không mới, chở một con cá heo to tổ tướng đi bán. Bởi tôi ở thành phố, chẳng bao giờ nghe ai bán cá heo như vậy. Mà vì tiếng rao ấy, tôi đâm ra sợ họ, vì cá heo nó hiền, tại sao lại bắt nó, rồi chở lang thang đi bán? Sau này, dì tôi chỉ cho tôi biết cá heo tức là cá vụn dành cho heo ăn, người ăn không được chứ không phải cá heo, tôi mới hiểu ra và thấy thương người bán cá heo. Và hình như đời sống của người bán cá nói chung và người bán cá heo nói riêng có gì đó tựa như biểu kế thân phận phụ nữ vậy.
Chị Hoàng, một người bán cá, từng là “cựu nữ nhân bán cá heo” chia sẻ:
– Đời sống của tụi chị cực lắm. Nhưng lúc nào cũng phải vui!
– Em thấy một số người bán cá ngoài chợ họ có vẻ không vui, và nói thật tình, hơi hung hăng, sao chị lại nghĩ khác?
– Em nói đúng rồi, người bán cá ngoài chợ, nhất là các chợ thị trấn họ hung hăng lắm, cạnh tranh với nhau khốc liệt lắm em à, khác với người bán cá dạo như tụi chị!
– Chị có biết vì sao lại có sự khác nhau đó không?
– Dễ hiểu mà em, chợ Việt Nam có thói quen mời khách, thậm chí chèo kéo khách, nên họ phải hét thật to để thu hút khách. Nhưng đó là lý do nhỏ thôi, chứ nguyên nhân của nó là vì người ta có tiền, ngồi bán theo sạp, có chỗ ngồi và cạnh tranh với nhau khốc liệt vì người bán thì nhiều, người mua thì ít, hàng này chèo kéo, hàng khác cũng chèo kéo, đâm ra ngày càng trở nên lạnh lùng, kèn cựa với nhau. Hơn nữa, cũng do ba cái tín dụng đen nữa!”.
– Tín dụng đen nghĩa là sao hả chị?
– Thì hầu hết trong các chợ đều có tín dụng đen, các bà chơi hụi, vay tiền tín dụng đen, tiền vay mỗi tháng phải trả từ 10% đến 20% giá gốc. Ví dụ như vay 10 triệu thì nhận được 8 triệu, 2 triệu tiền lãi bị chặn lấy trước, sau đó mỗi tháng phải trả 2 triệu tiền lãi cho 10 triệu vay. Như vậy, chỉ 5 tháng thôi là đã trả số tiền bằng với tiền vay nhưng có người nợ cả vài năm, số tiền lãi lên gấp 5, gấp 10, thậm chí gấp 100 lần tiền gốc đã vay nếu như để lãi mẹ đẻ lãi con. Nên mọi thứ đâm ra cuống cuồng lên, nháo nhào lên, ở chợ người ta mệt lắm, khác với mình!
– Những người chở cá đi bán rong, hầu hết bây giờ vẫn đi xe đạp, sao chị không đi xe máy cho đỡ mỏi chân?
– Xe máy khó vào những con hẻm nhỏ, với lại xe máy tốn xăng lắm em à, mình vừa đạp xe, coi như tập thể dục vậy đó. Chứ nếu dùng xe máy, chi phí hao mòn xe, rồi tiền xăng nhớt sẽ đội lên, mình sẽ bán mắc hơn, vừa có nguy cơ mất khách mà lại vừa không hợp với tạng của mình. Đi bán mấy chục năm rồi chớ ít chi đâu!
– Trước khi đi bán cá dạo, chị có làm nghề gì khác không?
– À có chớ, trước khi đi bán cá dạo, chị là công nhân may mặc, trước khi là công nhân, chị là sinh viên hụt. Mà không phải do thi rớt đại học đâu nghe em!
– Nghĩa là sao chị?
– Thời chị đi học, người ta còn soi lý lịch nặng nề lắm, phải con của thành phần không dính tới chế độ cũ kia mới được vào đại học, mà chị là con của “ngụy quyền” nên bị đánh rớt hồ sơ từ ngoài cổng kia. Lần đó ba của chị thấy buồn, cũng vì thương cho số phận mấy anh em của chị mà ổng đổ bệnh, năm đó chị vừa rớt ngoài cổng đại học lại vừa mất cha. Buồn, đời buồn lắm!
Những cuộc đời buồn
Cũng giống như chị Hoàng, các chị Mai, Thúy, Ngã là những người dậy sớm từ lúc 3 giờ sáng và ngồi chờ cho đến 6, 7 giờ sáng để có đủ mẻ cá đi bán, không nhiều nhặn gì, nhưng phải chờ, vì cớ gì?
Chị Mai cho biết:
– Chờ để có cá vụn, mình mới gom cá vụn, rồi phân loại mà chở đi bán.
– Nhưng chỉ cần một tàu vào là đã đủ, sao lại phải chờ lâu vậy hả chị?
– Một tàu mà chia đều cho mười mấy chị em thì sao đủ, bởi cá vụn ít lắm, chủ yếu là cá lớn, có bạn hàng chia hết rồi. Cũng có bữa mình mua đôi con cá lớn nhưng phải năn nỉ chủ tàu.
– Tại sao phải năn nỉ hả chị?
– Năn nỉ để họ bán giá thấp một chút mình mới mua được.
Chị Thúy nối lời chị Mai:
– Mình phải năn nỉ em à, vì nếu mua mắc thì bán mắc, mà mình chở vào những xóm nghèo, xóm không có điều kiện kinh tế tốt để mà bán.
– Sao các chị không chọn những xóm kha khá mà bán?
– Câu hỏi hơi nhẫn tâm nghe (cười), mình chỉ bán ở xóm nghèo, quen rồi em ạ, có người mang ký khoai, ký gạo ra đổi cá, có người mua nợ, có người ra đứng dòm cho đỡ thèm, mình bữa nào bán kha khá, cũng biếu họ đôi con cá nục nhỏ để thêm vào bữa ăn. Tụi chị không đi chùa, không cúng dường, cũng không gọi là bố thí, mà tụi chị chia sẻ, vì họ cũng nghèo giống mình…
– Có lẽ vì vậy mà các chị phải chờ rất lâu ở chợ cá?
– Đúng rồi đó em, mình mua những thứ rẻ và bán cho người nghèo. Xã hội bây giờ phân tầng rõ lắm, nhà giàu, nhà quan chức thì ăn toàn đồ hiệu, đồ đóng hộp giá tiền trăm ngàn đồng, triệu đồng, có khi họ ăn một lát cá bằng người nghèo ăn cả tháng đó chứ không giỡn đâu. Còn có những nơi, nhìn người ta vẫn sống hồn nhiên, vẫn hiếu khách nhưng nghèo lắm, nghèo muốn rớt nước mắt kia. Mà cũng vì vậy mà tụi chị đi buôn thấy đời sống bớt lạnh, thấy ấm áp và việc đi buôn có ý nghĩa, có động lực, mà cũng có cái để mà sống nữa.
Chị Ngã tiếp lời:
– Hơn hết là tụi chị nuôi con ăn học tử tế, có thể là chưa tới đâu nhưng ăn học tử tế em à, phải nói là tám, chín chục phần trăm tụi chị nuôi con ăn học tử tế.
– Ăn học tử tế cho dù chưa tới đâu nghĩa là sao, em chưa được hiểu lắm, xin chị giải thích thêm ạ?
– Chị nghĩ rằng nuôi con ăn học tử tế với ăn học tới đâu là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Nuôi ăn học tử tế tức mình cho con mình đi học và dạy con mình coi trọng đạo đức, tình người, tôn trọng thầy cô, cha mẹ, lễ phép với ông bà và biết chia sẻ với người khó hơn mình. Cái này con cái học từ cha mẹ, có gia đình cha mẹ tuy nghèo nhưng con cái họ đàng hoàng vì họ sống tử tế. Và có thể học hết cấp III thì đi làm công nhân nhưng việc học tử tế sẽ cho ra một công nhân tử tế. Em coi, mấy chị đi bán cá thế này, người hôi tanh lắm, dù mua cả nửa ký chanh mang theo để rửa vẫn không hết mùi, nhưng con cái nó không chê mình hôi, nó ráng sống tử tế với đời để mình vui, vậy là hạnh phúc rồi. Ngược lại, có nhiều nhà giàu có nhưng ích kỷ và tàn nhẫn, con họ có học tới tiến sĩ chăng nữa thì vẫn không có được sự tử tế em à! Nhất là con nhà quan chức, khó nói lắm!
– Chị cho em hỏi hơi đường đột, trung bình một ngày, các chị kiếm lãi được khoảng bao nhiêu?
– Trung bình một ngày tụi chị kiếm được chừng 200,000 đồng, ngày nào trúng thì 300,000 đồng em à. Mà như vậy là quý lắm rồi. Thời buổi khó khăn, người ta thất nghiệp đầy đường.
Chị Ngã trả lời thay các chị bạn của mình. Cũng như để kết thúc câu chuyện của các chị. Một kết thúc nghe rưng rưng, nằng nặng mối cảm hoài về đời sống của những phận người một nắng hai sương mà luôn giữ tấm lòng thanh sạch, thanh thản và trắc ẩn trước đời sống.
Comments
Post a Comment