August 29, 2024 CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG MỘNG ƯỚC TUỔI THANH XUÂN, PT

 

                                    CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG MỘNG ƯỚC TUỔI THANH XUÂN

                                                                                                           PHƯƠNG TUẤN


Vào những năm cuối trung học tôi thường ghé Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Centre Culturel Francais) trên đường Jules Ferry ở Đà Nẵng, để đọc báo. Hai tờ tôi thường đọc là Paris Match và Selection, ngoài ra con có những tờ Sciences, và tìm được tin về bác sĩ Albert Schweitzer.

Tiến sĩ Albert Schweitzer, một nhà truyền giáo, và bác sĩ y khoa nổi tiếng, cuộc đời ông khá ly kỳ.

Năm nay đánh dấu sinh nhật lần thứ 149 của Albert Schweitzer (1875-1965). Ông có thể là một nhân vật bị lãng quên phần nào, thậm chí là một nhân vật gây tranh cãi, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ trở lên, chỉ cần nhắc đến tên Schweitzer, lập tức gợi lên hình ảnh về lòng vị tha, và hình mẫu một thầy thuốc đầy lòng nhân ái. Trong số rất nhiều công việc từ thiện của mình, Schweitzer đã thành lập một bệnh viện ở Lambaréné, tại Châu Phi Xích đạo thuộc Pháp, ngày nay là thủ phủ của tỉnh Moyen-Ogooué, Gabon. Cuốn tự truyện năm 1931 của ông, “Out of My Life and Thought,” mô tả phần lớn công việc của ông ở Châu Phi, là cuốn sách bán chạy thời đó.

Năm 1952, ông đoạt giải Nobel Hòa bình.

Albert sinh năm 1875 tại Kaysersberg (Alsace-Lorraine), Đức, (nay là Haut-Rhin, Pháp), chỉ hai tháng sau khi Đức sáp nhập tỉnh đó từ Pháp, do chiến thắng trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ. Cha của ông, một mục sư Lutheran, đã chuyển cả gia đình đến một thị trấn gần đó, Gunsbach, nằm ở chân đồi của dãy núi Vosges. Đó là một địa điểm xinh đẹp và là nơi Albert thường quay trở lại trong suốt quãng đời còn lại của mình, đặc biệt là khi ông mệt mỏi vì nhiều trách nhiệm y tế và truyền giáo.

Khi còn bé, Albert sức khỏe yếu nhưng trí tuệ sáng suốt. Ông bắt đầu chơi đàn organ ngay khi đủ lớn để chân chạm tới bàn đạp, và khiến tất cả những ai lắng nghe đều ngạc nhiên. Ông được biết đến như một nghệ sĩ chơi đàn phím và sáo điêu luyện, đặc biệt là khi ông chơi các tác phẩm của Bach. Albert vào Đại học Kaiser Wilhelm ở Strasbourg ở tuổi 18. Tại đây, ông học thần học, ngữ văn và lý thuyết âm nhạc. Ông tiếp tục học để lấy bằng Tiến sĩ về thần học năm 1899 tại Sorbonne, nơi ông tập trung vào triết lý tôn giáo của Immanuel Kant. Đại học Tubingen đã xuất bản luận án vào năm 1899. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 1894, Schweitzer đã giác ngộ khi đọc Kinh Thánh theo Ma-thi-ơ, Chương 10 và 11.

Đoạn văn dường như đã định hướng cuộc đời nghề nghiệp của ông: Chúa Giê-su khuyến khích những người theo Ngài :

Hãy chữa lành bệnh tật, tẩy sạch người phong hủi, khiến kẻ chết sống lại, đuổi quỷ: các ngươi đã nhận được một cách nhưng không, hãy cho đi nhưng không.” Ma-thi-ơ 10:8.

Năm 1896, ở tuổi 21, ông quyết định dành một thời gian nghiên cứu khoa học và nghệ thuật, rồi cống hiến phần đời còn lại để giúp đỡ những người đau khổ.

Từng là người tự học, trong thời kỳ này Albert cũng từng là người quản lý nhà thờ Saint-Nicolas ở Strasbourg. Đồng thời, ông tổ chức các buổi hòa nhạc organ, giảng bài và viết sách về thần học. Hoạt động sau này trong nhiều năm khiến ông trở nên nổi tiếng với tư cách là một nhà thần học lớn, mặc dù có phần gây tranh cãi.

Năm 1905, ông quyết định nhận lời mời từ Hiệp hội Truyền giáo Paris để trở thành một bác sĩ. Năm sau, 1906, Albert 31 tuổi bắt đầu vào trường y. Ông nhận bằng Y Khoa bác sĩ năm 1913 với chuyên khoa y học nhiệt đới và phẫu thuật. Luận án y khoa của ông có tựa đề là “Nghiên cứu tâm thần của Chúa Giêsu”. Vào tháng 6 năm 1912, ông kết hôn với Helene Bresslau. Helene theo học nghề y tá để giúp đỡ chồng mình; sau đó, cô là chuyên viên gây mê cho những bệnh nhân mà Albert sẽ phẫu thuật.

Vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1913, hai vợ chồng lên đường, bằng chi phí riêng của mình, từ Bordeaux đến Châu Phi. Khi đến Lambaréné, ông thành lập một bệnh viện nhỏ tại một nhà ga do Hội Truyền giáo Paris thành lập. Đó là khoảng 200 dặm từ cửa sông Ogooué tại Port Gentil (nay là Cape Lopez).

Những căn bệnh Schweitzer điều trị đều khủng khiếp và chết người: bệnh phong cùi, kiết lỵ, phù voi (Elephantiasis), bệnh ngủ (Sleeping sickness), sốt rét, sốt vàng da (Yellow fever), cho đến những vết thương do tiếp xúc với động vật hoang dã và nhiều vấn đề sức khỏe thông thường mà cơ thể con người phải đối mặt. Ông đã sống trong những điều kiện rất tồi tệ trong những túp lều tạm bợ để làm nơi trú ẩn và chăm sóc y tế. Đó là những ngày nhiệt đới nóng và ẩm, đêm lạnh giá, gió giật, và mưa lớn. Schweitzer và vợ đã cố gắng làm điều tốt nhất có thể.

                              

                              

Những năm cuối trung học, ở vào tuổi “teen”, cuộc đời dài còn trải trước mặt, khi tìm hiểu cuộc đời bác sĩ Schweitzer, tôi đã vô cùng cảm kích và nghĩ mình làm sao để theo gót ông. Và những năm học y khoa, một chân trời rộng mở, mỗi ngày học là một ngày vui, vui vì không biết bao nhiêu điều mới lạ học được. Vui vì nghĩ mình đi đúng đường, chọn đúng nghề, chẳng có chi hối tiếc. Những năm đó là những năm Miền Nam dưới thể chế Đệ Nhất Cộng Hòa đất nước còn yên vui. Tin chiến sự hầu như rất ít được nghe thấy.

Vào năm thứ hai Y khoa, tôi biết đến một vị bác sĩ đáng kính khác là Thomas A. Dooley, M.D. Ông nguyên là bác sĩ Hải Quân Hoa Kỳ đã giúp săn sóc y tế cho một triệu dân miền Bắc di cư vào Nam theo Hiệp Định Genève 1954. Tôi đã tìm đọc được 3 cuốn sách của ông :

Deliver us from evil”, kể lại những chuyện ông nghe được khi giúp dân tị nạn vượt thoát để vào Nam. “The night they burned the mountain”, chuyện kể về dân tộc Lào, nơi ông săn sóc những người bệnh, “The edge of tomorrow”. 

Ông rời thế gian này khá trẻ vì bệnh ung thư, “ra đi” ở tuổi 34.

Tuy sau này có nhiều tài liệu nói về những điều không hay về ông, nhưng về vấn đề y tế và nhân đạo không thể quên những ân tình của ông với dân di cư Bắc Việt, và những gì ông làm cho dân Lào tại Thượng Lào. Dù thế nào đi nữa, dù là làm việc cho ai, ông cũng đã phục vụ cho quê hương ông là tổ quốc Hoa Kỳ, không có gì để xấu hổ.

Ông đã lập ra tổ chức MEDICO và thành lập những bệnh viện Medico ở Lào, và một bệnh viện Medico ở Quảng Ngãi, chưa thành hình thì ông “ra đi”. Chính những cống hiến về y tế nhân đạo của ông đã gợi ý cho Tổng Thống John F. Kennedy lập ra Peace Corps.

Hình ảnh hai nhân vật Albert Schweitzer và Thomas A. Dooley, theo dõi tôi suốt các năm học Y khoa. Mãi đến khi ra trường tôi mới hiểu đâu cần những chân trời nào xa xôi để tôi phục vụ bệnh nhân. Họ ở ngay trên quê hương khốn khổ, chiến tranh triền miên của tôi đó. Họ ở ngay trước mắt tôi, đâu phải đi kiếm tìm mãi tận Phi Châu hay Thượng Lào?

Ngay sáu năm y khoa ở đại học Y Saigon, tôi đã có dịp thấy không biết bao nhiêu bệnh tật khổ đau. Thập niên 1960 đó, chỉ có thủ đô Saigon mới có những bệnh viện lớn, như Chợ Rẫy, Bình Dân, Nhi Đồng, Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Lao Hồng Bàng, bệnh viện Đô Thành, bệnh viện Nguyễn văn Học Gia Định. Tất cả trực thuộc trường Đại học Y Saigon để đào tạo các bác sĩ Y Khoa. Số tân bác sĩ ra trường mỗi năm không nhiều, trên dưới một trăm không đủ đáp ứng nhu cầu trị bệnh cho dân chúng. Sau này còn có trường Y Khoa Huế được thành lập dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Bước vào quân ngũ để thấy đời lính tráng và thương những chiến sĩ Miền Nam. Đơn vị đầu tiên là Chi Nhánh Tiếp Huyết Đà Nẵng. Tôi về ngay Vùng 1 vì đây là quê nhà. Phận sự của Tiếp Huyết là lo đủ số máu cho thương binh tại ba Quân Y Viện: Tổng Y Viện Duy Tân, Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, Huế, và Bệnh Viện 1 Dã Chiến, Quảng Ngãi. Tội nghiệp, nguồn máu chính là các quân trường Hòa Cầm, Đà Nẵng, và Đống Đa, Huế. Rất ít máu được nhận từ các thường dân, vì mọi người rất sợ hiến máu. Tôi và hai dược sĩ đi Huế thường xuyên trên các máy bay quân sự C 123. Chính các anh đã hiến máu của mình cho các đồng đội và cũng sẽ được nhận lại khi bị thương. Biết bao nhiêu là hy sinh, nhưng người ngoài đời ít ai biết sự kiện này.

Nhưng ngay các quân trường cũng không đủ số máu cho các thương binh khi gặp những trận lớn như Tết Mậu Thân. Vì vậy tôi thường tiếp xúc với các ngân hàng máu của bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ và Bệnh viện Tản thương 95th của Mỹ, tại Mỹ Khê, và xin họ những bịch máu sắp hết hạn nhưng còn sử dụng được. Máu Mỹ 450ml, trong khi các bịch máu chúng tôi nhận từ các quân trường chỉ có 240ml.

Chín năm quân ngũ đã cho tôi đủ thời gian để thấy biết bao nhiêu đau thương trên quê hương tôi. Dân tộc tôi thông minh, đất nước tôi “tiền rừng, bạc biển”, nhưng dân tộc tôi là một dân tộc bất hạnh. Mầm mống chia rẽ đã có từ thời lập quốc. Nàng Âu Cơ cưới Lạc Long Quân, đẻ ra trăm trứng, nở ra trăm con. Cớ chi 50 theo cha xuống biển, 50 theo mẹ lên non, không ở lại cùng nhau xây đắp cơ đồ?

Trịnh Nguyễn phân tranh chia đôi Nam Bắc với dòng sông Gianh, và về sau dòng Bến Hải cùng chung số phận? Ôi đất nước đau thương của tôi.

Vào một ngày năm 2008, tôi trở lại thăm quê hương, một trưa hè gặp một thương phế binh VNCH, cụt một tay, một chân, chống nạn đi bán vé số. Anh có thể về từ chiến trường Snoul, Krek, Campuchia hay Mùa Hè Đỏ Lửa, Trị Thiên, Kontum, Pleiku, Bình Long, An Lộc... hay đâu đó ngày cuối tháng ba, tháng tư 1975? Có phải anh đã được tôi hay một trong các quân y sĩ bạn tôi săn sóc cho anh? Nào ai biết được. Chỉ có một điều tôi biết chắc, anh là một trong những người thiệt thòi nhất trong trận chiến Bắc Nam, bị bỏ rơi bên lề xã hội khi cuộc chiến tàn. Nay sau gần nửa thế kỷ vết thương Nam Bắc vẫn chưa được liền da, khi lòng người còn phân chia kẻ thắng, người bại.

Ngoài những thương phế binh, còn những chiến sĩ Miền Nam đã tận hiến cả tuổi thanh xuân và cuộc đời của họ cho đất nước. Họ đã nằm xuống đâu đó từ Bến Hải đến tận Cà Mau. Tôi lại nhớ đến người bạn rất thân ngày còn học tiểu học, anh Trần Đình Trị. Sau tiểu học Trị lên Yersin học hết trung học và bị gọi nhập ngũ. Lần chót Trị đến thăm tôi tại Đà Nẵng là một tối mùa đông năm 1968. Ngày đó chiến trận đã để lại trên trán phía phải của Trị một vết thẹo. Trị là thiếu úy Biệt Động Quân. Trị chưa được giải ngủ và tiếp tục lên đường vào nơi gió cát. Đó là lần chót tôi gặp Trị. Bặt tin Trị từ dạo đó. Có phải Trị đã bỏ thân xác mình đâu đó trên ruộng đồng quê hương Việt Nam không ai hay biết? Tội nghiệp!

Gia đình Trị là gia đình rất nề nếp. Trị đẹp trai, hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ có tư cách, ngày xưa chúng ta thường gọi rất “noble”. Trị có hai người em gái, một cô là hoa hậu Gia Long, cưỡi voi đi diễu hành ngày Hai Bà Trưng, Bà mẹ người Huế ăn nói rất hiền lành, dễ thương.

Ôi người bạn tuổi thơ của tôi. Tôi đi tìm Trị từ ngày đó cho đến nay, cả gia đình Trị và hai em gái của Trị cũng không biết tin gì của Trị.

Một chuyện khác tôi còn nhớ: ngày đó xuống phòng lựa thương, cô nữ quân nhân đang pha sữa đặc có đường của Quân Tiếp Vụ trong một chiếc xô lớn. Tôi bảo cô, người thương binh nào tôi chỉ định không có vết thương bụng, cô cho họ một ly sữa. Giữa đám thương binh VNCH có một cán binh Việt Cộng trẻ, khoản 15 tuổi đang ngồi trên giường. Tôi bảo cô nữ trợ tá, cô có thể cho anh cán binh này một ly. Cô đưa cho anh ta một ly sữa nóng, anh cầm ly sữa trên tay, nhưng ngần ngừ chưa dám uống. Cô trợ tá cười:

Sửa đó, uống đi, không phải thuốc độc đâu”.

Anh từ từ đưa lên môi, ngụm một miếng nhỏ, tôi bỗng thấy mặt anh sáng lên. Có lẽ trong đời từ ngày bú mẹ, anh chưa bao giờ uống được một ly sữa.

Anh biết không, người Miền Nam chúng tôi như thế đó. Không hận thù khi kẻ thù ngã ngựa. Chúng tôi đã được dạy như vậy từ ngày còn đi học tiểu học. Các anh là những chiến binh Miền Bắc, bị thương cũng được chúng tôi tải thương về và điều trị đàng hoàng. 

Nhớ những ngày xưa thật xa, những ngày còn học trung học, tôi đã đọc được các tác phẩm của Antoine de Saint Exupéry: “Le Petit Prince”, “Pilote de guerre”,”Terre des hommes” và “Citadelle”. “Citadelle” là những suy niệm của tác giả. Ông là một phi công đường dài thập niên 1920. Thuở đó phi hành là chuyện mạo hiểm, người phi công không có radar, bay theo la bàn và ngắm hướng theo trăng sao. Chỉ cần 5 phút không liên lạc được vô tuyến, người phi công có thể rớt máy bay đâu đó và đi vào vùng vĩnh cửu.

Ông là một phi công, một nhà văn, nhưng cũng là nhà tư tưởng, một nhân cách lớn. Trong “Terre des Homess”, ông nói về tình đồng đội, tình bạn, những người gắn bó với nhau trong nghề nghiệp bay, thuở những đường bay có đi nhưng không chắc có về.

Ông viết về những người bạn như Mermoz, mở đường bay qua Đại Tây Dương, rồi mất tích trên biển.

Ông viết về Guillaumet, phi công đường dài từ Pháp, xuyên Đại Tây Dương bay qua Nam Mỹ, rớt máy bay trên dãy núi Andes cao ngất đầy băng tuyết, với bao nhiêu ngày đêm chống đỡ giá lạnh, đói khát, núi cao, vực sâu, cuối cùng về lại được với thế giới loài người và tuyên bố một câu để đời:”Tôi thề rằng những gì tôi làm được, không một sinh vật nào trên thế gian này làm được”.

Ông viết về tình bạn, những người rất ít gặp nhau vì các chuyến phi hành thường chéo nhau, họa hoằng lâu lắm mới gặp lại nhau sau một chuyến phi hành đầy gian nguy, cùng ngồi lại đâu đó trong một quán cà phê, kể tiếp cho nhau nghe câu chuyện bỏ dở từ năm tháng nào.

Và có những người bạn mới nghe đó đã lặng lẽ ra đi không lời từ giả.

Cuốn “Terre des Hommes” đã được khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon, giáo sư Bùi Xuân Bào, dịch ra Việt Văn với tên “Cõi người ta”.

Đọc Antoine de Saint Exupéry, tôi lại nhớ đến những người bạn của tôi, những người thầy thuốc. Có những người tôi gặp lại, nhưng cũng có những người không gặp lại, mất tích qua chiến chinh. Nhớ thuở còn ở trường vào cuối năm thứ ba, bước qua năm thứ tư y khoa, group tôi chụp chung một tấm hình trước sân cỏ Bệnh viện Từ Dũ. Nay tấm hình sau bao nhiêu năm vẫn còn đó, nhưng trên nửa số bạn đã ra đi không lời từ giả, đó là Dương Hồng Huân với bước đi mạnh mẽ, miệng luôn cười toe toét, yêu đời, tràn đầy sức sống. Anh đã ra đi đâu đó trên quê hương thứ hai Na Uy. Dương Quốc Bảo ra đi sau cơn bạo bệnh, chị Trà My nghe tin mới ra đi đâu đó một hay hai năm sau này. Nguyễn Long Hợp ra đi trong trại tị nạn Thái Lan. Phạm Đình Bách ra đi trong chiến trận,Tôn thị Yên cũng đã ra đi...và còn nhiều nữa.

Và đây những người bạn tôi gặp lại vào thập niên 2000, khi chúng tôi cùng làm chung một bệnh viện tại vùng Tây Bắc Florida. Đó là các anh Nguyễn Bửu, Phạm Ngọc Tùng, chị Nguyễn thị Tường, anh Nguyễn Thành Năng, anh Nguyễn Bá Cường ( Cường lớn), anh Vũ Quốc Cường (Cường nhỏ), anh Phùng văn Bá, anh Đồng Quang Ngọc, anh Nguyễn Vĩnh Bình, anh Mạch Phước Hưng. Mỗi người chúng tôi được cấp một ngôi nhà ngay trong campus của bệnh viện, trừ các anh Cường lớn, Cường nhỏ, Nguyễn Thành Năng và anh Phạm Ngọc Tùng, các anh này có nhà ở Tallahassee. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau, nhất là những chiều thứ bảy, chị Tường gọi:

Chiều nay ăn nghe, anh Tùng”. Thế là các chị cùng đến với các anh.

Mỗi chúng tôi mang đến một món ăn, phần chị Tường lo món ăn chính cho mười mấy người trong ngày hội ngộ. Thôi thì bù khú, chuyện trên trời, dưới đất, chuyện trời mưa, trời nắng, chuyện đời nay, đời xưa, chuyện thời sinh viên, chuyện các thầy trong trường Y, chuyện bạn bè, chuyện ngày ra trường đi làm việc, chuyện vượt biên, vượt biển, chuyện tù đày…

Ngày tháng qua mau, rồi cũng tới ngày chia tay, kẻ về hưu sớm vì bệnh, kẻ đúng ngày về theo năm tháng phục vụ. Tản mác tận bốn phương trời trên đất nước Hoa Kỳ rộng lớn này. Biết làm sao, trong họp mặt đã có mầm mống của chia ly, chết chóc. Đó là luật trời đất nào ai cản được.

Tính từ ngày gặp lại các anh chị tới nay đã một phần tư thế kỷ, lác đác đã có anh em “ra đi” không lời giã biệt, nay người ngồi xe lăn, kẻ quên lãng không nhận biết anh em bạn bè...Quả thật con đường Sinh, Lão, Bệnh, Tử chẳng ai thoát khỏi.

Mỗi một anh một chị chúng ta như những dòng sông quanh co uốn khúc, rồi cuối cùng cũng trôi về Biển Đông.

Ngày hôm nay ngồi viết những dòng này, tôi nhớ lại tất cả bạn bè tôi, từ những ngày tiểu học, trung học, rồi đại học. Những bạn may mắn còn gặp lại nhau đâu đó trên email hay trên Blog, và nhớ tất cả các bạn đã ra đi không lời giã từ.

Tối nay tình cờ nhận được một video của một bạn gái mới quen trên internet gửi cho bài hát “Đêm tàn Bến Ngự" của Dương Thiệu Tước, Hà Thanh hát, và đặc biệt có hình ảnh các nữ sinh với áo dài trắng, quần trắng, tóc xõa ngang vai...Hình ảnh Bến Đò Thừa Phủ đưa các cô sáng đi chiều về. Nay các cô đã thành ông bà nội ngoại hay đã đi về Miền Vĩnh Cữu, nào ai biết. Những hình ảnh gợi lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của Huế một thời đã xa, thật xa, chỉ còn trong ký ức của những người thương Huế xưa.

Tôi lại nhớ đến một nhà văn lưu vong Ba Lan đã dặn:”Đừng bao giờ về thăm chốn cũ, nó chỉ để lại trong bạn ngậm ngùi và tiếc thương".

(Phần viết về bác sĩ Albert Schweitzer được tìm lại trong ký ức những bài đọc trong Paris Match, và phần lớn tìm trong internet).

                               PHƯƠNG TUẤN



Comments

Popular posts from this blog

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!