August 29, 2024 Tinh thương và Kiếp Nhân Sinh... NGÀY TỪ GIÃ CHÙA VIÊN GIÁC, Trần Trung Đạo.

 


                               Tinh thương và Kiếp Nhân Sinh…
                               NGÀY TỪ GIÃ CHÙA VIÊN GIÁC

                                                                                          Trần Trung Đạo


Khi trọ học ở chùa Viên Giác, tôi nhỏ nhất trong chùa nên được giao công việc quét lá. Anh Hùng (cố Hòa thượng Thích Giác Ánh) gánh nước, anh Sáu tưới rau,  tôi không làm được những chuyện đó nên chỉ lo làm sạch sân chùa. 

Không ai có phòng ngủ riêng. Năm đầu tôi ở chung phòng với chú Điển, bây giờ là Hòa Thượng Thích Như Điển. Mấy năm sau tôi dọn sang ở với các chú điệu cùng lứa tuổi trong căn phòng sát dưới gốc đa. Các chú rất vô tư. Nằm xuống là ngủ ngay. Đúng giờ thức dậy đi tụng kinh khuya. Tụng kinh xong lại đi ngủ tiếp. Các chú hoạt động tự nhiên như những chiếc máy. Ít cười và ít nói. Tôi cũng cùng tuổi nhưng không như các chú, đêm nào khi tới phiên mình đánh chuông xong, tôi thường nằm bên hiên chùa nghe tiếng lá reo. Nhất là mùa thu, tiếng lá rung như một điệu nhạc.

Ở chùa Viên Giác ngày đó có thầy Giải Nguyên. Thầy đi tu khi tuổi đã về già sau khi đã nếm đủ hương vị đắng cay, thăng trầm, vinh nhục của cuộc đời. Thầy là một trong những người giàu có ở Duy Xuyên bỗng dưng phát nguyện xuất gia. Năm đó thầy đã ngoài sáu chục tuổi. Những người già thường ít ngủ. Thầy cũng thế. Khi thấy tôi nằm trên bệ xi-măng trước chùa, thầy cũng đến ngồi gần. Thầy kể tôi nghe nhiều chuyện vui buồn trong đời thầy. Nhưng dù chuyện gì cũng chỉ để dẫn đến một lời khuyên dành cho tôi, đời là bể khổ và chỉ có đi tu là con đường giải thoát.

Tôi không phản đối cách giải thích của thầy nhưng bạch với thầy tôi không muốn đi tu. Tôi chỉ là người trọ học và một ngày không xa tôi sẽ ra đi. Tương lai của tôi nằm phía bên kia cổng tam quan chứ không phải bên này. Dường như tôi sinh ra đời này chỉ để đi xa. Đi theo chọn lựa và nhiều khi không có quyền chọn lựa.

Nhìn lại chặng đường mình đã trải qua, tôi thường nghĩ đến những hạnh phúc nhiều hơn là gian khổ. Tôi nghĩ đến những người tôi đã mang ơn. Nhiều lắm. Từ những đứa bạn nhỏ chắt chiu những đồng tiền lẻ của cha mẹ cho để chia sẻ với tôi cho đến Mẹ Hòa Hưng, người đã nuôi tôi chín năm thử thách nhất của đời mình.

Thời gian ở Viên Giác là thời gian cô đơn về tinh thần và khắc khổ về vật chất. Chùa rất nghèo. Không có ruộng đất như các chùa ở ngoại ô như Long Tuyền, Phước Lâm, Chúc Thánh. Phần lớn chúng tôi ngày hai bữa sống nhờ vào thửa rau lang trồng trước sân chùa và những hủ chao do các cô, các bác bên Cẩm Nam mỗi tháng hai kỳ sang làm giúp.

Các thầy, các chú lớn tuổi đi đám ma chay còn được cúng dường tiền bạc để chi dùng riêng tư, không ai cúng dường cho đứa bé như tôi. Đời tư của tôi không ai biết. Thầy chỉ hỏi một câu khi tôi đến và sau đó không hỏi nữa. Họa hoằn lắm mới có một người bà con từ trên quê xuống đi chùa, tình cờ nhận ra, vuốt tóc tôi vài cái, nói đôi lời an ủi rồi ra đi.

Cô tôi, chị của cha tôi, là người quan tâm đến tôi nhiều nhất sau khi cha mẹ tôi qua đời nhưng chưa bao giờ có dịp để vào thăm tôi.  

Dù sao, những cực khổ của thuở thiếu thời đã trở thành phân bón cho những bông hoa tình người trong khu vườn mùa xuân của đời tôi nở rộ, để hôm nay khi nghĩ đến Viên Giác tôi cảm thấy thật êm đềm. Tiếng chuông chùa, lời kinh khuya đã nhẹ nhàng đi vào tuổi thơ tôi, đã chuyển hóa tâm hồn chất đầy oan nghiệt của tôi mà nhiều khi tôi không biết.

Những người có cuộc đời nhiều chịu đựng thường phải biết vượt qua, đôi khi bằng cố gắng và đôi khi chỉ bằng cách ngẩng đầu lên mà đi, khinh thường những chướng ngại. Tôi có cả hai. Bây giờ khi nóng tính, khi quá hăng say về một chuyện gì dù đúng hay sai tôi cũng biết dừng lại và biết lắng nghe, không khinh thường sự việc như ngày còn trẻ. Không có những ngày ở Viên Giác, khu vườn đời tôi sẽ buồn bã, khô khan, điêu tàn và trống vắng biết bao nhiêu.

Thật vậy, chỉ có tình thương mới thật sự là mùa xuân vĩnh cửu của con người.

Không ai bà con ruột thịt với tôi. Tôi không phải là một chú tiểu, một tăng sĩ, một đệ tử xuất gia của sư phụ mà chỉ là đứa trẻ mồ côi trọ học. Số phận của tôi không khác gì số phận của hàng triệu đứa trẻ bất hạnh trên đất nước Việt Nam thời đó. Nhưng tôi tin, tôi đã học được rất nhiều và thay đổi rất nhiều sau thời gian ở chùa Viên Giác.

Tôi hiểu bao dung tha thứ là điều cần thiết; nhưng quan trọng hơn phải biết bao dung tha thứ cho chính mình trước.

Những năm ở chùa Viên Giác đã làm dịu cơn phẫn nộ trong lòng một đứa bé bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt gần như tất cả những gì yêu quý nhất. Lời dạy “Hãy thắp đuốc lên mà đi” của Đức Phật đã ảnh hưởng đến nhân sinh quan và thế giới quan của tôi.

Con người ai cũng có thể dăm đôi lần bị té ngã nhưng phải biết buông xả, đứng dậy và tiếp tục đi. Tôi đã đứng dậy, đã đi, đã sống sót qua nhiều thử thách.

Cuối tháng Tám năm 1972 và mùa thu sắp trở về. Tôi lên chánh điện lạy Phật và ra đi. Không ai tiễn đưa tôi ngoài tiếng lá đa reo như một điệu nhạc buồn. Tôi tự mở cánh cửa để ra đi âm thầm như khi tôi đến. Không một nụ cười hứa hẹn quay về và cũng không một giọt nước mắt khóc chia tay. Giống như trong thơ Nguyễn Bính, tôi “một mình làm cả cuộc phân ly”.

Mấy năm sau tôi viết bài thơ để cám ơn sư phụ chùa Viên Giác, hai cây đa già và năm năm đầy kỷ niệm.

NHỚ CÂY ÐA CHÙA VIÊN GIÁC

Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác

Mười hai năm bèo dạt bến sông đời

Cây đa cũ chắc đã già hơn trước

Biết có còn rụng lá xuống sân tôi


Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ

Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu

Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ

Vẫn còn đây trong ký ức xa mù


Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm

Nên bà con, thân thuộc cũng xa dần

Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá

Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân


Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ

Ða làm cha che mát những trưa hè

Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi

Ða làm người chơn thật chẳng khen chê


Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi

Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn

Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới

Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn


Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ

Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi

Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm

Cây đa già đứng lặng khóc chia ly


Ðường tôi qua đã không còn bóng mát

Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya

Ða ở lại âm thầm ru khúc hát

Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều


Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ

Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi

Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể

Chuyện trầm luân của một kiếp con người


Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác

Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây

Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn

Ði làm người du thực ở phương tây


Tôi viết nốt những bài thơ dang dở

Vá tình người rách nát thuở hoa niên

Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở

Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.


Trần Trung Đạo


Comments

Popular posts from this blog

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!