September 28, 2024 Tình yêu của mẹ, Võ Thanh.
Nhớ lại dạo tôi chuẩn bị gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Mẹ tôi mắc chứng đãng trí từ nhiều năm, để bà ở nhà có thể ảnh hưởng đến an toàn của bà và cả nhà, vì đã có lần bà bật bếp ga rồi quên không đóng.
Mẹ tôi thường ngồi một mình trong phòng khách, ôm chiếc hộp sắt và
lẩm bẩm điều gì đó một mình. Nhìn thấy tôi hoặc con dâu, bà chỉ khẽ
cười. Đôi khi tôi hỏi mẹ đang nói gì vậy thì bà trả lời: “Mẹ có nói gì
đâu!”
Vợ tôi thường phàn nàn: “Em sợ cái cảnh này quá”!
Thậm chí có những đêm, vợ tôi thức dậy đi vệ sinh, bất chợt nhìn thấy
một cái bóng đen đen lù lù trong phòng khách, thì sợ đến nỗi hồn bay
phách lạc. May đúng lúc đó, tôi cũng tỉnh dậy, ra bật điện, thấy mẹ đang
ngồi đó không nói năng gì. Tôi hỏi: “Mẹ ơi,
sao mẹ lại ngồi đây thế?” Bà đứng dậy, lắc đầu, đến bản thân bà cũng
không biết vì sao mình lại ngồi đây.
Quay về phòng, vợ tôi vẫn thao thức. Cô giận dỗi: “Ngày nào cũng như
thế này thì làm sao mà sống nổi đây”. Nói xong, cô đề nghị: “Hay chúng
ta gửi mẹ vào viện dưỡng lão đi, trong đó có nhiều người già, mẹ cũng có
thêm bạn. Còn vợ chồng mình một tuần vào
thăm mẹ một lần, như vậy cũng không thể coi là bất hiếu”.
Tôi suy nghĩ mãi rồi vẫn phải lắc đầu, thở dài, quyết định thế nào cũng không xong.
Từ nhỏ tôi đã mồ côi cha, chỉ có mẹ tôi một mình tần tảo nuôi tôi nên
người. Tôi nhớ khi ấy có rất nhiều người đến mai mối, khuyên mẹ nên đi
bước nữa, và đó đều là những đàn ông tương xứng với mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi
nhất quyết cự tuyệt, mẹ tôi sợ rằng lấy
người khác rồi thì tôi sẽ chịu ấm ức.
Mẹ tôi hàng ngày bán rau kiếm cơm nuôi tôi, một đời ngậm đắng nuốt
cay, chặng đường vô vàn gian nan khó bước. Rồi mẹ tôi cũng nuôi tôi học
đến đại học, dạy tôi thành trang nam tử, cho tôi kĩ năng phấn đấu trong
sự nghiệp. Đến nay mẹ tôi vẫn chưa được hưởng
ngày vui nào trọn vẹn, vậy mà chẳng lẽ tôi lại nhẫn tâm đưa mẹ vào viện
dưỡng lão sao? Vợ tôi thấy chồng nói vậy thì thôi không nói gì, nhưng
trong tâm thì không hài lòng, thường quay mặt tránh nhìn tôi.
Hôm sau khi nấu cơm, bà lại để xảy ra chuyện. Cơm đã chín, nhưng bà
lại ấn nút nấu thêm một lần nữa, kết quả cả nồi cơm cháy đen thui. Vợ
tôi vừa nhìn nồi cơm vừa trách: “Mẹ, sao mẹ lại ấn nút hai lần?”
Bà nín nhịn hồi lâu, cuối cùng nói một câu: “Mẹ quên”.
Lần khác, mẹ tôi ra ngoài, khi về thì vào nhầm nhà, may mà người ta đưa về.
Sự việc này sau khi xảy ra nhiều lần, trong tâm tôi cũng bắt đầu dao
động. Tôi nghĩ: “Hay cứ để mẹ vào viện dưỡng lão xem sao, có khi sẽ tốt
hơn cho mẹ, trong đó nhiều người già, mẹ sẽ không còn cô đơn nữa…” Hôm
đó, nhân lúc tâm trạng của mẹ vui vẻ, tôi
bèn nói ra suy nghĩ trong lòng.
Mẹ tôi ngồi lặng thinh, không nói lời nào.
Vợ anh ngồi bên, được thể nói: “Mẹ, mẹ đến đó rồi, nếu thực sự không quen, thì chúng con lại đón mẹ về nhà mà”.
Bà thở dài gật đầu, tối đó bà thu dọn. Đồ đạc được chuẩn bị cũng rất
đơn giản. Bà còn mang theo chiếc hộp sắt, trên đó có một chiếc khóa nho
nhỏ. Mẹ tôi ôm chặt nó vào lòng. Vợ tôi nói: “Mẹ, để nó ở nhà đi”. Bà
đáp trả: “Không, mẹ phải mang nó theo!”
Từ khi mắc bệnh thì cái gì mẹ tôi cũng quên. Chỉ có chiếc hộp sắt là
không lúc nào bà quên mang theo bên mình. Đôi khi vợ lôi tôi ra, chỉ vào
trán hỏi: “Anh có ngốc không? Có biết có cái gì trong hộp không”? Tôi
lắc đầu, từ trước tới giờ tôi thấy mẹ tôi
luôn coi chiếc hộp đó như một bảo vật, tôi chỉ biết có vậy thôi.
Vợ tôi nói: “Cả đời người, ai chả có một bảo vật, hay chút tiền vàng
trong tay. Trong chiếc hộp của mẹ anh chắc chắn là những thứ đó”.
Tôi vừa nghe vậy, tự nhiên thấy động lòng. Tôi biết, nhà ngoại tôi
trước kia là địa chủ giàu có. Nếu thực sự trong hộp có thứ gì đáng giá,
đưa mẹ tôi mang theo rồi bị mất hay bị kẻ trộm lấy thì thật đáng tiếc.
Cho nên tôi vô tình đưa tay ra nói: “Mẹ, mẹ đưa hộp đây con xem được không?”
Bà lắc đầu, giữ khư khư bên mình và nhất quyết không đưa cho tôi. Vợ
tôi nhìn thấy vậy thì lầm bầm vài câu. Hôm đó vợ chồng tôi chưa đưa mẹ
tôi đến nhà dưỡng lão. Đến đêm khi mẹ tôi đã ngủ say, tôi và vợ mới nhẹ
nhàng mở hộp ra, bất chợt tôi nhìn thấy những
vật trong đó mà tuôn trào nước mắt. Hôm sau, vợ chồng tôi cũng không
đưa mẹ tôi đến viện dưỡng lão, và kể từ đó về sau chúng tôi cũng không
bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa.
Trong chiếc hộp sắt không phải cất giữ tiền, cũng không phải vàng, mà
là một nhúm tóc tơ và vài chiếc răng sữa. Bên trong còn có một tờ giấy
ghi lại thời gian tôi thay răng và lần đầu tiên cắt tóc. Ở quê tôi có
một phong tục, đó là răng sữa và tóc tơ của
con cái thì không được phép vứt đi mất, nếu không giữ cẩn thận, đứa trẻ
đó sẽ ốm yếu triền miên và chết yểu…
Mẹ có già, có lẫn, mẹ có thể quên đi hết mọi thứ trên đời, quên đi cả
chính bản thân mình nhưng tình yêu dành cho con thì vẫn luôn hiện hữu
trong trí nhớ của mẹ. Con chính là cả cuộc đời của mẹ.
Nguồn sưu tầm from Võ Thanh .
Comments
Post a Comment