September 29, 2024 «Đưa người ta không đưa qua sông…» Ca sĩ Bích Thuận, Chúc Thanh.

 


«Đưa người ta không đưa qua sông…» 
12/07/2024 
Chúc Thanh
Posted by GLN

Nghệ Sĩ Bích Thuận - Hình từ The Jimmy TV
 
Để tưởng nhớ nghệ sĩ tài danh Bích Thuận.
 
Cách nay 70 năm về trước, khoảng năm 1954-1955 trước cuộc di cư vĩ đại do hiệp định Genève ký kết. Chúng tôi sống ở Hải Phòng, có lúc ở Hà Nội, tùy theo công việc làm di chuyển của ông thân tôi.
 
Khi tôi được khoảng 9, 10 tuổi, có lần tôi được theo ba tôi đến rạp hát Trần Mỹ Ngọc ở phố Tám Gian, thành phố Hải Phòng. Hôm đó chúng tôi coi hát tuồng và chèo cổ, tuồng “Tứ Trạng Đồng Khoa“ có cô Bích Thuận, cô Kim Chung, cô Bích Sơn và kép Khánh Hợi thủ những vai chánh, họ diễn rất xuất sắc, truyền cảm. Tôi theo dõi và say mê bốn ông trạng nguyên đồng khoa và tôi ưng ý nhất là ông trạng do cô Bích Thuận lồng vai. Trên sân khấu, mà tôi ngây ngô, tưởng như trong cuộc đời, họ đẹp quá, đẹp về đạo đức, ngôn ngữ qua cách đối đáp thưa gửi và cử chỉ lễ phép giao tình… không phải mình tôi mê mẩn đâu nhe, mà toàn rạp hát cũng vậy, vãn tuồng mà khán giả không chịu đứng lên ra về ngay, còn nấn ná, còn ngẩn ngơ…
 
Hôm nay, hơn quá nửa thế kỷ trôi qua, chợt nghe tin cô Bích Thuận ra đi mãi mãi, tôi nghĩ không phải mình tôi, mà có rất nhiều người cùng ngẩn ngơ, tiếc nuối :
 
«… Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?»
Thơ Thâm Tâm
 
Hai câu thơ này của tác giả Thâm Tâm thật là đúng và linh nghiệm trong hoàn cảnh mà nữ nghệ sĩ Bích Thuận vừa thuận thế quy thường, được chúa gọi về, ở tuổi 100 năm đại thọ, ngày 25-06-2024 tại Hoa Kỳ.
 
Xin cuối đầu tưởng niệm và phân ưu cùng tang quyến.
 
Tài năng đức độ và sự nghiệp cống hiến của bà Bích Thuận, đã có bao nhiêu tác giả nói đến. Nơi đây, chỉ xin mạo muội nói lại một vài kỷ niệm về bà như vẫn còn long lanh nơi ký ức:
 
«… Nắng chiều không thắm không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?»
Thâm Tâm
Bà Bích Thuận (1924-2024)
 
Là một ngôi sao bắc đẩu trên vòm trời ca kịch cải lương của Việt Nam. Bà có viết cuốn hồi ký, từ làng Vân Hồ đến UNESCO, cuốn sách của bà được giáo xứ Việt Nam tổ chức buổi ra mắt vào ngày 18/04/2004.
 
Nội dung hồi ký, bà trình bày tỉ mỉ về thời đại hoàng kim của nền ca kịch cải lương tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Song song đó, là nền tân nhạc, thơ ca ngâm diễn trong các chương trình truyền thanh và truyền hình của thời Việt Nam Cộng hòa.
 
Một nội dung sâu sắc hơn, nói về cuộc đời của bà, từ nơi sinh quán Bắc Ninh, về ngày thơ ấu, về khi bắt đầu học hỏi tới lúc thành đạt, tất cả, như tự nhiên, mà nêu cao một giá trị đạo đức, một tấm gương can đảm học hỏi, phấn đấu không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời tới thành đạt. Tất cả là một bài học công dân giáo dục xuất sắc và ưu tú cho giới trẻ và toàn bộ chúng ta.
 
Về hình thức, lối hành văn của tác giả Bích Thuận trong hồi ký là những lời tâm sự ấm lạnh, thổ lộ thâm tình và thân tình, có giá trị truyền đạt và ân cần nhắc nhở. Cuốn hồi ký gợi lại cho người đọc nhiều kỷ niệm thật xa và cũng thật gần. Những kỷ niệm riêng tư xen lẫn những kỷ niệm chung, còn như mới hôm qua!
 
Từ trước năm 1975, trở về trước đó, 1945-1954, bà Bích Thuận hoạt động văn nghệ văn hóa ở miền Bắc Việt Nam.
 
Bạn cho phép tôi gọi là cô Bích Thuận, vì thời điểm đó, 10 năm trước hiệp định Genève, cô còn tươi trẻ, đầy sức sống, với tài năng đang đỉnh điểm thăng hoa sung mãn. Khi đó, cô ngoài 20 tuổi, và cô ở trong đoàn kịch nghệ “tiếng chuông vàng“ thủ đô của nghệ sĩ chánh Kim Chung và chồng bà là ông Trần Viết Long.
 
Cô Kim Chung tài sắc là đào chánh của tiếng chuông vàng thủ đô, Bích Thuận và Bích Sơn trụ ở hai bên phải và trái. Sau khi soạn giả Phạm Ngọc Khôi cho diễn vở “Tứ Trạng Đồng Khoa“ ở Hải Phòng, rất thành công, ông soạn tiếp vở Kim Vân Kiều và mang lên Hà Nội dựng tuồng. Kịp lúc bấy giờ, ông nhìn ra tài diễn xuất và gương mặt hơi pha trộn phảng phất vẻ Á Âu của cô Bích Thuận. Ông dành cho cô Bích Thuận vai Thúc Sinh bên cạnh cô Kiều Kim Chung. Chỉ sau một buổi diễn đầu tiên, Bích Thuận được khán giả Hà Nội  cổ võ, yêu mến nồng nhiệt, vỗ tay gần như vỡ rạp!
 
Từ đó, cô trở thành vai nam tích cực bên cạnh Kim Chung: nếu Kim Chung là Thúy Kiều, thì Bích Thuận là Thúc Sinh.
 
Kim Chung là Kiều Nguyệt Nga, Bích Thuận là Lục Vân Tiên.
 
Kim Chung là Huyền Trân công chúa, thì Bích Thuận là Trần Khắc Chung.
 
Kim Chung là Điêu Thuyền, Bích Thuận thủ vai Lữ bố.
 
Bích Thuận là kép, Kim Chung là đào. Cặp đào kép này đang tuổi xuân thì, rực rỡ, tài năng thiên phú, họ ở thời điểm thăng hoa tột đỉnh (1950).
 
Cả hai, họ đã xinh đẹp, lại chịu khó, khổ công, chăm chỉ tập luyện võ công với võ sư Trần Quang Cầu.
 
Họ học văn chương, học nhịp, học trống, phách với vị thầy nghiêm khắc Đào Bá Chính, nên phải nói họ là cặp đào kép văn võ song toàn. Cả hai đều có nhan sắc trời cho xinh đẹp, vóc mình thanh tú, hài hòa. Dưới ánh đèn sân khấu, cả hai đều rực rỡ và lôi cuốn.
 
Trong vở Kim Vân Kiều, trên sân khấu, chàng Thúc Sinh Bích Thuận rất hào hoa đa tình, tay xòe quạt, miệng mủm mỉm cười, tán tỉnh kiều nương Kim Chung; vẫn không quên một giây liếc mắt đưa tình khán giả, chỉ một sát na thôi, cũng có bao con tim hí hửng, xao xuyến đến ngẩn ngơ!
 
Chàng Thúc Sinh Bích Thuận, hội ngộ Thúy Kiều Kim Chung rồi cả hai tương đắc bên nhau như đôi chim khuyên liền cánh.
 
Cảnh đó lưu diễn ở miền Nam, dân Nam bộ hưởng ứng hết lòng và đã ca ngợi:
 
“… Nếu Kiều còn sống ở đời
Gặp cô Bích Thuận, tưởng người tình xưa!“
 
Hay là:
“Nguyễn Du để lại bút thần
Kim Chung làm sống trên trần kiều nương.”
Cô Bích Thuận thủ vai nam rất thành công, một thành công tuyệt hảo, từ bước đi nhún nhẩy, lui tới hào hùng, thi triễn võ công… tới bàn tay vung lên, hoa đường kiếm Đốc Hoa Sơn tuyệt luân từ thầy Quang Cẩn khổ công đào luyện.
 
Nhưng mà còn thú vị hơn rất nhiều khi coi cô Bích Thuận làm Lữ Bố hí Điêu Thuyền.
 
Vẫn vậy, Lữ Bố là Bích Thuận, Điêu Thuyền là đào Kim Chung. Khi cây gậy phang đùng đùng vài nhát xuống sân khấu, rồi mở màn nhung, tất cả khán giả, im phăng phắc, chỉ còn dán mắt lên sân khấu, sân khấu Tố Như, sân khấu chưa có diễn viên, mà là hoạt cảnh dinh quan Vương Tư Đồ khang trang lộng lẫy, mà vắng hoe, chưa có ai ra. Chỉ ghe thấy có tiếng hát hồ quảng trong veo và sang sảng của cô Bích Thuận từ hậu trường vang vang, vang vang, vọng ra. Rồi, đó, cô Bích Thuận, trong vai Lữ Bố, đệ nhứt anh hùng Hậu Hán bước ra, oai phong lẫm liệt trong áo bào anh kim óng ánh rực rỡ, đầu đội mũ anh quan có gắn lông công cao nghều nghều, chân đi hia, tay cầm thiên phương hoạt kích. Chàng Lữ Bố Bích Thuận đi vài đường võ căn bản ra oai, rồi vung kích múa chào, miệng ca hồ quảng giọng sang sảng mừng tới gia trang nhà họ Vương.
 
Tiếng hoạt cảnh sân khấu lung linh ngoạn mục, đúng là một gia trang lộng lẫy, quyền quý, của một thời phong kiến rất xa xưa… khán giả như đi lạc về thiên thai?
 
Sân khấu như được thêm ánh sáng, rực rỡ trội hơn.
 
Sau vàu tuần rượu thù tiếp với quan Vương Tư Đồ. Lữ Bố B.T hơi trầm ngâm, thì chợt vang lên giọng hát trong veo, đậm tình lôi cuốn của Điêu Thuyền K.C. Lữ Bố đa tình, mắt sáng rỡ như sao, tai vểnh lắng nghe và dáo dác chờ đợi… chàng chờ đợi người đẹp Điêu Thuyền xuất hiện, rồi cung kích ngả nghiêng, rồi hai mắt cùng liếc, hai lòng cùng ưa. Lữ Phụng Tiên B.T cũng không bỏ lỡ cơ hội giương oai diễn võ cao cường, tỏ lộ khí phách anh hùng, và la hét om sòm… thị uy trước quân tham tàn… khiến Điêu Thuyền K.Ch. liền chuốc rượu và nỉ non tình tự… đúng vậy, quan Lữ Bố Bích Thuận có thị uy oai phong ồn ào, mà ồn ào kiểu lôi cuốn và tình tứ… cho thấy cách võ quan thời phong kiến tán tỉnh mỹ nhân như thế nào! Cô Bích Thuận đi đúng bài bản, cô la hét cũng om sòm và ca hồ quảng rất sảng khoái. Vừa đa tình vừa phong độ không hơn không kém. Khán giả ra về, tấm tắc khen, đúng là đệ nhất anh hùng thời Hậu Hán, Lữ Phụng Tiên tái thế.
 
Nhưng rồi với thời gian vùn vụt trôi qua, với lịch sử đưa đẩy cuốn hút. Đệ nhất anh hùng thời Hậu Hán tái thế, là cô Bích Thuận tới Pháp định cư năm 1983. Cô Bích Thuận chịu ảnh hưởng nhập thế sâu đậm theo ki-tô giáo. Cô nhằm đem cái giới hạn nhân sự, hòa nhập vào biến đổi của thời thế vì cô quan niệm, thời thế tạo anh hùng. Cô làm thơ, mang máng tư tưởng thơ của thiền sư Mãn Giác: ai biết đón xuân thì xuân đến!
 
Cứ thế, cô quan niệm thế, cô bắt đầu ở hải ngoại là đi tiếp hành trình văn hóa dân tộc. Từ đó tới nay, như khách trọ trần gian, mà cô vẫn góp phần vào công việc truyền bá, sinh hoạt cho chữ nghĩa văn chương Việt Nam không ngừng nghỉ.
 
Cô đi khắp nơi, trình diễn văn nghệ, thi nhạc Việt Nam cùng khắp. Thật cảm động lúc cô diễn ngâm cả hai bài thơ bằng tiếng Pháp: le  pont Mirabeau của Guillaume Apollinaire va le sonnet d’Arvers của Félix Arvers tại hội trường Pháp Quốc Hàn Lâm viện khoa học hải ngoại năm 1984:
 
“Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu
Le mal est sans espoir, aussi j’ai du le taire
Et celle qui l’a fait n’en jamais rien su“
……………………………………………..
 
Tôi nhớ mãi hình ảnh một bà đầm tây, sau khi nghe xong hai bài thơ của cô Bích Thuận, bà rút khăn tay chậm nước mắt, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên khẽ nói là : bà xã tôi đó, bả mít ướt lắm!
 
Như thế đó, cô Bích Thuận mang tình tự quê hương đi khắp nơi, tới nhiều miền trên thế giới. Cô kiên nhẫn và vững vàng, lần đi với tuổi đời, từng bước, từng bước với thành đạt cùng với lòng nhân ái!
 
Năm 1995, chúng tôi có dịp hội ngộ với cô và phu quân của cô, trong một lần may mắn ở giáo xứ Paris quận 17. Hôm đấy, sau buổi giới thiệu ra mắt cuốn hồi ký từ làng Vân Hồ đến UNESCO thì anh chị Nguyễn Quý Toàn bầy một bàn ăn thịnh soạn mời khách, tiếc là cha Đinh Đồng Thượng Sách bận rộn phần việc nhà chung và ngài vắng mặt.
 
Nhưng chị Toàn vẫn hào sảng dọn ra một bàn ăn đầy đủ, nem chua, gỏi đu đủ, chả giò, xôi mặn, lạp xưởng, bánh cuốn, bánh bột lọc, rau xào nấm đông cô, soupe măng cua…
 
Chúng tôi vừa ăn vừa hàn huyên, chị Bích Thuận ở đó, rất rực rỡ và cảm động lúc gặp đồng hương. Anh ít nói, chị cùng mọi người nói, bàn đủ thứ chuyện, từ xã hội, kinh tế, chính trị đến văn chương và nhạc kịch, cả hát bội nữa, quan họ Bắc Ninh nữa.
 
Chị thân mật và cảm động nhắc lại tên mọi người rất đúng, dù mỗi người mới giới thiệu về mình có một lần lúc vô bàn ăn… chị bảo cố nhân gặp lại cố nhân…
 
Mới hay đời đã lưng chiều
Bóng cây viễn xứ hiu hiu sắc sầu
(thơ Phạm Quang Ngọc)
 
Rồi cô bỗng vụt đứng lên, với tay nâng ly uống ực một hơi hết cạn ly nước cam tươi, cô nói, đừng buồn, chúng ta đừng buồn, hoàn cảnh nào, ta vui với hoàn cảnh ấy:          
«Anh còn có mỗi mỗi cây cò,                                      
Anh đem đem bán nốt anh theo theo cô nàng!»
 
Ca xong một câu dí dỏm… chị bảo cây cò, không cây đàn, rồi chị lại cười, vui cười, rồi hỏi chủ nhà là chị Toàn : “cho đây mượn kéo chủ nhà Toàn ơi!“
 
Chị muốn cái kéo để cắt cái gì? Chả giò em cắt rồi mà.
 
«Mình muốn cắt nhỏ nữa, nhỏ tinh tươm ra, Toàn ơi, vì răng cỏ tụi mình yếu xịu rồi, nhất là răng ông Hiếu nó yếu lắm, mà ổng lại rất ngưỡng mộ món chả giò của bồ…anh còn còn có mỗi mỗi cây cò… anh…“ vừa cắt nhỏ chả giò, mà chị gọi là nem rán, chị vừa nhắc nhở ai ai cũng phải ăn cho no, cho đủ. Ai chưa đụng đũa món nào, chị đều chia phần, không quên một ai. Lạ là bà ấy có con mắt quan sát rất tổng quát.
 
Khi tiệc vơi dần, cô Bích Thuận nhanh nhẹn đứng lên, tưởng cô cần ra ngoài, nhưng không, vừa đứng lên, là cô khoan thai rủ tôi đi dẹp chén dĩa, muỗng, đũa, đã dùng xong. Bà Toàn phản đối, nhưng cố xua tay, “tới lần tụi tôi, tụi tôi làm thể thao chút xíu.“
 
Rồi vừa dọn dẹp chén bát, lau, rửa, lau khô… cô vừa nhỏ nhẹ nói bên tai tôi cho vừa đủ nghe:
 
Chị em mình dẹp rửa như vầy, được một công đôi việc, vừa tiêu cơm, vừa biết đâu, ngày này sang năm, gia chủ còn nhớ tới  cái màn lau chén dĩa này, mà họ lại mời tụi mình tới ăn nữa, ăn thì ít mà nói thì nhiều… nãy giờ nói nhiều quá xá, giờ đụng tay chân cho tiêu cơm…
 
Thôi, bỏ qua cái vụ rửa bát đi, em muốn hỏi cô một điều, một điều vắn tắt là, sao hồi đó, hồi còn ở Hà nội những năm 1950-1955 đó, tại sao  cái ông soạn giả Phạm Ngọc Khôi đấy, ổng lại dựng cảnh Kiều gặp Thúc Sinh, mà ổng không soạn và dựng cảnh Kiều gặp Kim Trọng… có phải mê ly hơn không?... Cô biết không, khán giả mộ điệu ở dưới, họ mơ ước được nhìn tận mắt một thưởng ngoạn thống khoái của cô Bích Thuận lồng vai Kim Trọng!
 
Cô cười duyên dáng :
 
Đúng thế, mà khi mình mới vào nghề, soạn giả chỉ sao mình phải làm đúng như vậy… ờ ờ, hẹn khán giả chuyến sau, là một đời sau nào đó, nếu tụi chúng mình còn có duyên hội ngộ…
 
Rồi tiếp đến chủ nhà kêu vọng xuống:
 
“Café nóng, café nóng, bánh ngọt“, lên ngay kẻo nguội.
 
Tụi tôi vội lau tay, lên nhập tiệc!
 
Thưa, giờ, cô Bích Thuận đã ra đi về nước chúa. Với lòng kính thương, lòng ngưỡng mộ, ngậm ngùi, chúng tôi tưởng niệm cô…
 
Ngày 25-06-2024 cô đi về phương trời miên viễn.
 
Cô đã đi về phương trời miên viễn
Quên niềm vui và quên hết ưu phiền
Quên thành phố phía sau dài yêu dấu
Quên vần thơ và quên những đêm mưa
 
Cô đã đi về phương trời miên viễn
Quên người thương và quên hết tơ vương
Quên chiều tắt và bao mùa lá đổ
Quên đường xưa dài nhung nhớ xa đưa
 
Trân kính
Paris hè 2024
Chúc Thanh

Comments

Popular posts from this blog

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn