September 9, 2024 Kỷ niệm của một nữ sinh Trưng Vương .... trích trong truyện " NỔI TRÔI CƠN HỒNG THỦY "

 


Kỷ niệm của một nữ sinh Trưng Vương ....
trích trong truyện " NỔI TRÔI CƠN HỒNG THỦY "

Đã hơn 60 năm trôi qua mà Ngọc vẫn tưởng như mới đây, vẫn còn mỗi sáng cùng các bạn Trưng Vương trong khu phố đi học dọc theo hàng me xanh rợp bóng. 
 Nhà Ngọc chỉ cách trường mấy con đường. Những cô bé mới lớn, chân bước tung tăng trên hè phố, vành nón nghiêng nghiêng với tà áo trắng bay theo gió, những tiếng cười nói rộn ràng vô tư, những chuyện trò về bài vở, về thầy cô, bè bạn ... chưa thắc mắc gì về những rắc rối của cuộc đời. Thủa ấy Ngọc thường vô tư ra vườn sau nhà Nhân Sâm leo trèo hái ổi. Khu cư xá Hải Quân với những dẫy nhà ấm cúng trải dài tới sát bờ sông còn có nhà Kim Chi, có Oanh mắt nhung lập gia đình khá sớm. 
 Giờ nghỉ Ngọc vẫn cùng các bạn chui vào Sở Thú lang thang, Sở thú nằm ngay trước ngôi trường Trưng Vương đã cho tuổi trẻ Ngọc bao kỷ niệm thú vị, cho các nữ sinh được nhiều bức ảnh đẹp của thủa học trò. Sở thú sao mà hấp dẫn, rộng thênh thang với đầy cây cảnh hoa lá, đủ loại muông thú, những vùng cây cổ thụ rợp bóng mát với đám rễ cây buông rơi ngoằn ngoèo. Đám nữ sinh ai cũng thích cùng nhau lang thang trong Sở Thú khi có giờ nghỉ, thật là nơi chốn đầy kỷ niệm. 
 Mỗi lần để đầu óc trôi về quá khứ, Ngọc vẫn nhớ những ngày đầu bước chân vào trường Trưng Vương, đám con gái nhỏ bỡ ngỡ với tà áo trắng rộng thùng thình, đa số còn ốm o lép kẹp, dáng dấp hiền từ rụt rè, lạ thầy lạ bạn, chỉ im lặng quan sát. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn đã thân nhau, chuyện trò ríu rít… Ngọc còn nhớ cô bạn Bạch Phượng xinh xắn ngồi cạnh năm đệ thất và lớp sau là cô bạn Phương Trang ngoan hiền. 
 Vào học được ít năm đám con gái nhỏ đã mơn mởn trong tuổi dậy thì, mượt mà trong tà áo trắng. Vào những năm thật bận rộn với bài vở, với những kỳ thi tú tài, các nữ sinh tuổi thiếu nữ mới lớn đang nở rộ xuân thì, vừa lo học vừa làm dáng, làm điệu. 
Còn đám bạn Ngọc gồm Tú Anh, Minh Châu, Thanh Phương, Bích Nga, Phi Hoa, Nhân Sâm, Bích Hà, Bích Châu, Vũ Dung... thì vẫn cứ học và cười đùa mặc bạn bè chung quanh trổ mã. Bọn con gái lướt qua tuổi thiếu nữ yểu điệu mơ màng, cắm đầu vào học với cái mộng đi Tây ! 
 Đám bạn Ngọc vẫn lớn lên, vẫn to tiếng cười nói, vẫn chẳng thơ thẩn yêu đương, mơ mộng lứa đôi gì, chỉ lo học với học ! 
 Trong suốt bảy năm trung học ở Trưng Vương, Ngọc học hành miệt mài và rất yêu kính các cô giáo.
 Đa số các cô giáo Trưng Vương đều trẻ đẹp, nghiêm trang và toát ra vẻ trí thức, quý phái, khác hẳn các phụ nữ lam lũ tất bật ngoài chợ hay các bà mẹ ở nhà luôn bận rộn với con cái. Có lẽ rất nhiều nữ sinh đã yêu mến, ngưỡng mộ các cô giáo như những Thần tượng. 
 Ở cái tuổi hồn nhiên, ngây thơ ngày ấy, khi chưa có bóng dáng chàng trai nào bước vào vùng trời mộng mơ thì cô giáo là những hình ảnh thân yêu đầu tiên đậm nét. Có thể vì nét trí thức thanh lịch,vẻ dịu dàng ý tứ , khuôn mặt xinh đẹp, dáng người thanh nhã; hoặc tư cách đáng kính, sự uyên bác, tận tuỵ, thân ái với học trò... hoặc vì một nét, một vẻ nào đó nhập vào hồn mình, một hình ảnh đúng với khuôn mẫu thần tượng để rồi mỗi học trò có một cô hoặc vài cô để yêu, để tôn thờ… 
 Ngày đầu tiên cô Thuý Nga bước vào lớp, cả lớp bỗng im bặt, trố mắt ngắm nhìn. Cô mới ở Pháp về mang theo cái tươi trẻ, mới lạ từ phương trời Tây. Tóc cô cắt tém để lộ rõ đôi mắt to sáng, sống mũi thanh cao, đôi môi dầy mọng tô son màu cam nhạt ánh bạc (màu rất mới vào thời đó). Dáng đi và điệu bộ của cô rất tự nhiên, trẻ trung. Cô nói tiếng Pháp như gió, giọng rất đầm làm đám học trò mê phục ngẩn ngơ. Thảo nào cô đã là nguồn thơ bất tận của thi sĩ Nguyên Sa: 

 Nắng Saigon anh đi mà chợt mát 
 Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông … ...

 Có phải em mang trên áo bay 
 Hai phần gió thổi một phần mây 
 Hay là em gói mây trong áo 
 Rồi thở cho làn áo trắng bay... 

 Rồi cô Xuân Sanh với giọng nói ngọt lịm, dáng người mềm mại như một dải lụa đào, cô giảng bài cũng vẫn với giọng Huế dịu dàng dễ thương ấy, đám học trò vừa say sưa nghe, vừa ngắm nhìn cô. 
Khi cô Kim Thi xuất hiện, trông cô rất trẻ, khuôn mặt yêu kiều, nụ cười duyên dáng, làn da nâu hồng, đám học trò mê mải ngắm cô không chán mắt. Nhiều đứa si cô đến độ cứ lẽo đẽo theo cô như những cái đuôi! 
 Cô Tố Lan ngoài vẻ xinh xắn, thông minh,cô còn giảng bài rất hay. Trong mắt chúng tôi cô là một kho tàng sử Việt. Chúng tôi đã mê say nghe cô giảng, càng nghe chúng tôi càng yêu mến quê hương hơn, kính trọng các anh hùng dân tộc và thương tiếc, thầm phục họ đã vì nước mà quyết tâm tranh đấu, hy sinh thân mình. Cô Thái dáng điệu nhẹ nhàng nhưng cặp mắt sáng như sao! Cô chỉ liếc mắt về phía nào là phía ấy im phăng phắc. Học trò vừa sợ môn toán, vừa sợ cô. 
Cô Ninh đẹp phúc hậu và quý phái như nữ hoàng Elizabeth. 
Cô Hồng Diệp tươi trẻ, làn da trắng nõn và đôi môi hồng chúm chím như búp bê Nhật Bản. 
 Cô Lệ Khanh duyên dáng và dí dỏm. Bây giờ trông cô còn rất trẻ, trẻ đến nỗi sau mấy chục năm xa cách một học trò đã chỉ vào mặt cô vào ngày Đại Hội ở Texas “Tao trông mày quen lắm, tao chắc chắn ngày xưa mày học cùng lớp với tao. Tên mày là gì?” Đứa bạn đứng gần vội la lên “Cô Lệ Khanh đó!” Con nhỏ học trò hoảng sợ chạy mất. 
 Cô Hồng đẹp lịch sự, cao lớn như đầm. Cô rất tình cảm và gần gũi với hoc trò nên được nhiều người yêu mến. Cô Tuý Nga có đôi mắt to đẹp, cô có dáng vẻ một bà mẹ hiền, một bà mẹ hiền trí thức. Cô dạy toán rất hay. 
 Bà Kỷ rất nghiêm khắc, ngoài bài vở bà còn la rầy, nắn nót dạy dỗ học trò từ lời ăn, tiếng nói , dáng đi, điệu đứng cho đúng một cô gái khuôn phép. 
Cô Kim Lan dạy công dân trẻ đẹp và rất hiền, giờ của cô đám học trò rầm rì nói chuyện như họp chợ âm phủ. 
 Cô Thoa hiền lành dậy Địa lý cũng là thím dâu của Ngọc, chú Vũ Tiến Bản của Ngọc là bác sĩ Hải quân sau đi vượt biên với con trai đã không bao giờ tới bến bờ Tự do. Từ đó mắt thím buồn vời vợi mãi tiếc thương một người chồng tử tế đáng quý mà cả họ mến thương.
 Còn các cô giáo khác như cô Nguyệt Lãng dáng cao đẹp dậy đàn, bước chân cô nhún nhẩy như thấm đẫm âm nhạc cũng được đám học trò yêu quý, cô Trâm vui tươi, cô Đức xinh đẹp... cũng có nhiều học trò ái mộ. 
 Trong tất cả các cô giáo có lẽ bà Mót là người độc đáo nhất. Đó là một bà thầy độc đáo về nhiều phương diện. Đầu tiên là cái tên Mót của Bà. Không hiểu hồi nhỏ Bà khó nuôi hay lượm mót ở đâu về mà Bà có cái tên ấy. Nhưng đó là tác phẩm đáng quý của thượng đế "Bà vừa đẹp vừa giỏi". Bà độc đáo nữa là một phụ nữ Nam Kỳ đặc thù chính gốc giữa một trường trung học đa số cô giáo và học trò là Bắc Kỳ di cư. Trong khi các cô giáo khác mảnh mai, yểu điệu thì dáng Bà đẫy đà, cao lớn. Tóc Bà bới củ hành gọn ghẽ đưa nguyên một khuôn mặt tròn trịa không cần một lọn tóc loà xoà nào làm duyên. Bộ ngực của Bà đã bự mà vẫn phải nhường bước cho cái bụng căng đầy của Bà. 
 Nhưng độc đáo nhất vẫn là lối la rầy của Bà. Đám học trò luôn toe toét bị Bà la “Cái mặt tụi bay lúc nào cũng hí ha, hí hởn”, cả lớp cười oà ra thì bị Bà nhiếc “cái miệng tụi bay tàng quạc như lỗ đít zịt!”. Nghe thế đám học trò cười nghiêng ngả không kể gì tới Bà đang giận dữ nhìn đám học trò ồn ào bất trị! 
 Chưa có cô giáo nào đám học trò dám cười như chợ vỡ vậy, nhưng cả lớp cũng chưa bao giờ được nghe câu chửi nào độc đáo, trần tục vậy! 
 Bà dạy Pháp văn, hỏi chúng tôi dịch hai chữ “Acteur” và “Actrice”. May quá một đứa nhớ ra chữ “Đào”, đứa khác có tiếng nho gia dịch luôn “Nam đào” (tưởng như nữ ca sĩ, nam ca sĩ) ngờ đâu Bà la “Tụi bay ngu dừa dừa thôi nhe, acteur là “kép”!” thế là lũ học trò lại lăn ra cười và nhớ đời chữ “kép”. 
 Một lần Bà bảo Ngọc vào đội múa tất niên, Ngọc rụt rè thưa “dạ bố con không cho đi tập văn nghệ”. Bà la liền “Tập dăng nghệ chứ có làm điếm đâu mà ông già mày hổng cho?” Thế là cả lớp lại nhăn răng cười nghiêng ngả. 
 Bà còn dạy nữ công. Hôm Bà dạy may quần dài, một học trò thay vì may hai ống rời ra lại may chung lại trông như cái váy, Bà hét lên “Đồ con gái hư, đem dề mà chụp lên đầu”. Một lần Bà dạy may quần lá nem, khó quá nên vài học trò lén mượn nhau từ lớp nọ đem qua lớp kia để chấm điểm, khi thì được 12, lúc thì được 14. Tưởng Bà không biết, ai ngờ mấy hôm sau Bà nói “Có một cái quần mà xách tới, xách lui”. Cuối lớp đám học trò dài giọng nói nhỏ “Có một cái quần mà ba hồi 12, ba hồi 14”! 
 Mấy chục năm trôi qua, biết bao dâu biển , không đứa học trò nào quên được Bà Mót. Mỗi lần tụ họp nhau, nhắc đến Bà là đám học trò cũ lại cười nghiêng ngả. Vẫn những bộ mặt hí hởn ngày ấy, vẫn những cái miệng tàng quạc khi xưa, chỉ khác là da đã nhăn, tóc đã bạc mà nụ cười thì vẫn không có tuổi! 
 Tuy hay bị la nhưng ai cũng hiểu là Bà đã tận tâm dạy dỗ, yêu thương chăm lo đám học trò từng chút. Bây giờ đám học trò đã già hơn các cô giáo ngày ấy rất nhiều mà nghĩ đến các cô ai cũng còn nguyên vẹn lòng yêu mến , cảm phục và sự biết ơn chân thành. 
 Các Thầy giáo tuy ít nhưng cũng không thoát khỏi đám nữ 28 sinh tinh nghịch. Có Thầy khó tính thỉnh thoảng bị học trò đâm thủng bánh xe gắn máy, đành thất thểu dắt xe đi vá ! có Thầy ăn diện áo vàng quần xanh giầy đỏ bị học trò dán nhẹ giấy sau lưng “đẹp trai nhất thế giới” làm Thầy đi đến đâu học trò che miệng cười tới đó ! có Thầy sắc đẹp hơi vắng vẻ bị dán giấy sau lưng “đang tuyển vợ”. Có dán giấy cũng chỉ mua vui chốc lát vì bà Giám thị mà bắt được thì to chuyện...
Đúng là nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò! 
 Các Thầy Cô giáo chắc không ngờ rằng mình đã là những thần tượng, những mẫu mực cho đám học trò nhỏ noi theo trong suốt cuộc đời. Các Thầy Cô đã gắng công dạy dỗ, đào tạo thành công biết bao thế hệ Trưng Vương … 
 Chìm đắm trong quá khứ, Ngọc thấy tiếc tuổi trẻ đã qua quá mau, suốt ngày chỉ bận rộn với bài vở thi cử. Giá liều hơn một chút, hưởng tuổi trẻ nhiều hơn, la cà ciné, nghe nhạc đọc thơ, rong chơi, quà vặt, mơ mộng một chút, có mối tình học trò thì thời thiếu nữ có thú vị hơn không nhỉ? Rồi cũng vẫn thành đạt hay lại bỏ học theo trai? Ôm theo những mối hận tình, dở dang cuộc đời…

                                                                  Dung Vũ

Comments

Popular posts from this blog

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!