January 13, 2025. Tôi tu mà anh đâu có hay, Kalynh Ngô.

 



‘Tôi Tu Mà Anh Đâu Có Hay’

11/01/2025
minh tue
Ảnh: Fanpage Facebook Sư Thích Minh Tuệ) 

 

Tâm nguyện bộ hành khất thực gieo duyên của nhà sư tu hạnh đầu đà Thích Minh Tuệ tưởng đâu đã sóng yên gió lặng sau khi ông buộc “điểm chỉ” nhận thẻ căn cước, một trong những cái ông không cần trong cõi ta bà này, từ chính quyền địa phương. Tưởng đâu kiếp nạn của ông đã chấm dứt kể từ ngày bị buộc ẩn tu tại quê nhà Gia Lai. Nhưng, câu chuyện kết thúc ở cánh cửa này, lại mở ra một cánh cửa khác. Phía sau cánh cửa đó, là một kiếp nạn khác, của sư Minh Tuệ, của chính dân tộc này, của một nền văn hóa Phật học đã được khai sinh từ ngàn năm trước. Sư Minh Tuệ, một trong những nhà sư chân chính phải gánh cùng kiếp nạn cho dân tộc Việt.

 

Nhà sư Minh Tuệ đã hành giả trên con đường của riêng ông suốt sáu năm qua từ Nam chí Bắc và ngược lại. Trời đất là nhà. Giác ngộ là sự sống. Trang phục “Tam Y Nhất Bát,” nhục thể gầy gò, đen sạm, đôi chân trần mạnh mẽ, dứt khoát, cách nói chuyện đơn giản, cởi mở với nụ cười trên gương mặt đen sạm, một ngày một bữa,…, ông đã chọn tu học theo hạnh đầu đà. Sáu năm đó, không ai biết đến ông.

 

Rồi “Hiện tượng Minh Tuệ” nổi lên, dù là vô tình hay từ một lý do nào đó được sắp đặt sẵn trong một “cơ đồ Phật Giáo đã mục, có thể sập” (*) , thì cũng là kiếp nạn của ông. Không trách được chúng sinh bởi họ quá khao khát một hình ảnh chân tu, như những cái cây, ngọn cỏ thèm khát ánh nắng để được vươn thẳng sinh tồn. Rồi khi họ gặp được, cả một rừng cây đang oằn mình chết khô bỗng rào rạt trỗi dậy, ngả về hướng của ánh sáng vị lai.

 

Ánh sáng ấy tỏa ra từ sự khổ hạnh, chân phương của vị sư tu theo hạnh đầu đà. Và cũng chính ánh sáng tối giản nhưng nhiệm mầu ấy đã hóa thành sức mạnh vô song làm cho một quyền lực khác phải sợ hãi. Một nhóm người đã bắt cóc ông và các đồng tu khác tại Huế đưa về Gia Lai vào đầu Tháng Sáu 2024, “khuyến khích” ông ẩn tu. Nhà sư chẳng nề hà. Ông an nhiên trong túp lều rách nát ở quê nhà. Chúng sinh vẫn không buông tha. Họ tìm đến bằng mọi cách để đảnh lễ. Họ dâng cho ông bát vàng. Họ nghĩ họ sẽ nhận cái mà họ muốn nếu ông nhận cái mà họ có. Nhưng ông không cần cái họ có. Điều mà ông có, ông không cho họ được. Đó là “Giác Ngộ.”

 

Thiền Sư Nhất Hạnh chẳng phải đã từng giảng: “Đừng đi tìm cái anh muốn thấy. Việc làm đó vô ích. Không đi tìm, nhưng cho phép cái thấy tự đến, cái thấy ấy sẽ giải phóng được cho anh.”

 

Vị thế và tầm ảnh hưởng của sư Minh Tuệ đánh động ra cả ngoài biên giới quốc gia. Quốc tế lên tiếng. Công luận phản ứng. Để rồi cuối cùng, quyết định cho ông “hành hương về đất Phật như nguyện vọng của ông” là giải pháp có vẻ như vẹn cả đôi đường, cho ông và cho họ.

 

Bước chân của sư Minh Tuệ và các đồng tu hạnh đầu đà cất bước rời lãnh thổ Việt Nam ngày 12/12/2024. Họ đã qua kiếp nạn chăng? Không. Đường Tăng thỉnh kinh phải trải qua 81 kiếp nạn. “Hộ pháp” Ngộ Không của Đường Tăng bị gắn cả vòng kim cô. Nhà sư Minh Tuệ đời nay cũng thế. Chỉ khác là, kiếp nạn của ông không phải đối diện với yêu tinh quỷ quái. Vòng kim cô do chính ông mang, là để một thế lực khác khống chế sức lan tỏa quá lớn của ông đến chúng sinh.

 

Thật ra, so sánh chuyến thỉnh kinh ở Tây Trúc của Đường Huyền Trang với cuộc Tây hành của sư Minh Tuệ thì quá khiêng cưỡng, nhưng cũng có phần lãng mạn, “vui vẻ” (một từ rất chân phương mà sư Minh Tuệ hay dùng khi trả lời bá tánh.) Vì sao khiêng cưỡng? Vì mấy ngàn năm trước, Đường Tăng phải sang Tây Trúc thỉnh kinh. Mấy ngàn năm sau, kinh thi có sẵn ở quê nhà, ở khắp nơi, ở bất cứ nơi nào sư Minh Tuệ muốn có. Đi viếng Phật? Chẳng phải Phật luôn ở trong tâm, trong lòng, trong nhãn quan của nhà sư hay sao? Nếu chúng sinh không thấy Phật hiện hữu quanh ông, họ sẽ không vây lấy ông để “xin” chút phần phước?

 

Còn vì sao “vui vẻ”? Vì đối với nhà sư Minh Tuệ, bộ hành khất thực chính là tâm nguyện của ông, dù ở cung đường nào trên đất Việt hay ngoài biên giới. Ông đã nói: “Họ hoan nghênh hay đánh đập, bắt nhốt thì con cũng thấy như nhau.” (Trích BBC)

 

Tâm nguyện của ông là “bộ hành khất thực gieo duyên” như ông từng trả lời chúng dân: “Nếu mà họ ‘ấy’ quá thì mình chui trong rừng mình ở… mình chả gieo duyên với ai, mình an lạc trong đó… Ăn lá cây rồi ăn trái rừng, mình chả thèm khất thực với ai nữa. Mình đi gieo duyên, mình đi khất thực nhưng mà giờ họ nói ông tu hành ra tôi cấm không cho khất thực nữa thì tôi về rừng về núi tôi ở trên đấy….”

 

“Dạ được về thăm Đức Phật thì đảnh lễ nơi bốn thánh địa của Đức Thế Tôn thì cũng đều tốt đẹp. Con cũng… Con ước mong…ngày xưa…con cũng nói là có một cái duyên nào đó, có một lúc nào đó mình bộ hành về Ấn Độ mình đảnh lễ nơi bốn thánh địa của Đức Thế Tôn rồi mình học tập, mình cảm ơn cái ân đức của Đức Thế Tôn, tri ân với ngài… Nhưng mà cái đấy thì con cũng cảm thấy hạnh phúc vui vẻ nếu đạt được…”

 

Vậy đây có phải là lúc ông đã gặp được cái duyên đó không?

 

Truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng, nhường chỗ cho kênh Youtube độc quyền của người tình nguyện là “hộ pháp.” Cho đến bây giờ, truyền thông dân lập không còn cơ hội làm mưa làm gió, vì bên cạnh sư Minh Tuệ là vị “hộ pháp” đầy quyền năng. Họ cho ai hỏi, mới được hỏi. Họ cho ai đến gần, mới được đến. Họ cho ai đi theo đoàn, mới được đi. Ngày xưa, Ngộ Không là do chính Quan Thế Âm Bồ Tát sắp đặt để bảo vệ Đường Tăng khỏi yêu ma quỷ dữ. Ngày nay, ma quỷ nào đe dọa sư Minh Tuệ để ông phải cần hộ pháp? Họ không có cây Kim Cô Bổng quyền lực của Ngộ Không, nhưng họ sở hữu một “quyền lực mềm” bất khả chiến bại. Quyền lực đó đã đẩy những bước chân của sư Minh Tuệ và các đồng tu ra khỏi biên giới nước Việt, để gọi là “hành hương về đất Phật.”

 

Chợt nhớ đến cuộc đời của Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Khi còn tại thế, có một lần ông trả lời Al Jazeera qua màn ảnh video vì bị cấm tiếp cận với báo chí: “Chúng tôi là tù nhân trên quê hương của mình, nơi mà chính quyền quyết định ai có quyền nói và ai phải ngậm miệng lại. Ngay trong lúc này, tôi vẫn còn đang bị giam giữ ở Thiền viện Thanh Minh, Sài Gòn. Cảnh sát mật đang theo dõi tôi ngày đêm, không cho tôi đi lại.” 

 

Ngày nay, nhà sư Thích Minh Tuệ ngày nay khác gì với vị Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ?

 

Không còn hình ảnh trăm, ngàn, triệu người đổ ra đường níu kéo, chờ chực ở những nơi ông nghỉ đêm, thọ thực. Nhưng mỗi một ngày, các “truyền thông Youtuber” từ trong nước bay sang Thái, nơi đoàn sư đang đi qua, ngày càng nhiều. Báo chí hải ngoại cũng cử người đến tận nơi để ghi hình, phóng sự. Điều kiện đặt ra là bắt buộc phải “bước qua cửa ải của người hộ pháp.” Dù sư Minh Tuệ có nhẹ nhàng “anh cứ cho họ hỏi đi, chẳng sao đâu” thì cũng bị hộ pháp từ chối rất nhã nhặn: “Mình không kiểm soát được thông tin đó thì nó có hại cho mình, chứ không đơn giản” (Trích RFA Việt Ngữ.)

 

Mỗi ngày, công chúng từ khắp thế giới vẫn được dõi theo con đường đi đến Ấn của sư Minh Tuệ qua kênh Youtube độc quyền của hai vị “hộ pháp” kia. Nhất cử nhất động của ông đều phải qua cái gật đầu của “hộ pháp.” Hình ảnh truyền đi khắp thế giới. Truyền thông săn đón. Chúng sinh sung sướng vì mỗi ngày được biết “thầy vẫn bình an.”

 

So với sáu năm ông bộ hành từ Nam chí Bắc, con đường nào là con đường đúng tâm nguyện của ông? Ai dám khẳng định, nhà sư Minh Tuệ đang thật sự hành hương về miền đất Phật trên con đường như ông mong muốn?

 

Cỏ cây luôn cần ánh nắng để sinh tồn. Nhưng liệu ánh nắng ấy có thể tỏa sáng trong một xã hội đã phải chịu quá nhiều kiếp nạn hay không? Xã hội của nền Phật học một thời rực rỡ nay phải rên xiết “Tôi tu mà anh đâu có hay.” 

 

Kalynh Ngô

(*) Năm 2007, trong một bài giảng nói về “Định hướng tương lai với thể hệ tăng sĩ trẻ ngày nay,” cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ từng nói: “Về gia tài Phật giáo Việt Nam, tôi nói đó là một cơ đồ đã mục có thể sập. Nhưng vì, trong đó tôi là người đã góp công rất nhiều, nên dù biết nó có thể sập tôi cũng không đủ can đảm để phá đi. Nhưng thế hệ trẻ các anh có đủ can đảm để phá, vì các anh chưa đóng góp gì trong đó cả. Các anh có quyền phá sập đi để xây dựng lại cái mới.”


Comments

Popular posts from this blog

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn