February 26, 2025. Tìm lại dấu xưa Tự Lực Văn Đoàn, Trần văn Thọ.

 













Tìm lại dấu xưa Tự lực văn đoàn

Trần Văn Thọ 


Ngẫu nhiên là trong năm vừa qua tôi có nhiều duyên với Tự lực văn 
đoàn.1 đi thăm di tích Tự lực văn đoàn ở Cẩm Giàng (Hải Dương), thăm 
địa chỉ 80 Quan Thánh Hà Nội, nơi đã từng đặt trụ sở hai tờ báo của 
nhóm nầy. Gần cuối năm lại được bà Nguyễn Tường Nhung, trưởng nữ 
của Thạch Lam, tặng cuốn hồi ký Tháng Ngày Qua. Phát hiện mới, cảm 
xúc mới lại kết nối với những rung động của những ngày đọc Tự lực văn 
đoàn thời trung học hơn nửa thế kỷ trước.
Sau tết Giáp Thìn, ngày 14/2/2024, tôi và một số bạn ở Đà Nẵng rủ nhau 
đi Hội An viếng mộ Nhất Linh. Khu mộ tộc Nguyễn Tường nằm trong một 
vùng bia mộ của nhiều tộc họ được xây dựng ở ngoại ô Hội An. Tại đây 
chúng tôi rất mừng được gặp và hỏi chuyện anh Nguyễn Tường Mạnh, 
cháu đời thứ 12 tộc Nguyễn Tường, đang phụ trách trông coi phần mộ 
của tộc mình (Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là đời thứ 10).2Tổ tiên của 
tộc Nguyễn Tường gốc ở Thanh Hóa, đến đời thứ 6 là Nguyễn Tường 
Vân (1774-1822) di cư vào Gia Định, từng theo Nguyễn Ánh dựng cơ 
nghiệp, sau làm quan ở Phú Xuân, có một thời làm cai bạ ở Quảng Nam, 
và dưới thời Minh Mạng làm Binh bộ thượng thư. Lúc mất ông được an 
táng tại Quảng Nam. Con trai thứ của Nguyễn Tường Vân là Nguyễn 
Tường Phổ (1807-1856) làm quan triều Nguyễn. Trưởng nam của ông 
Phổ là Nguyễn Tường Tiếp được nhà Nguyễn bổ làm Tri huyện Cẩm 
Giàng. Một trong bốn người con của ông Tiếp là Nguyễn Tường Nhu 
(1881-1918), thân sinh của 3 anh em Nhất Linh (1906-1963), Hoàng Đạo
 (1907-1948), và Thạch Lam (1910-1942). Mẹ của ba anh em nhà văn là 
bà Lê Thị Sâm (tục gọi là bà thông Nhu theo tên và chức vị của chồng), 
con gái của Lê Quang Thuật, người Huế, được triều Nguyễn cử ra Cẩm 
Giàng nhậm chức và tại đây ông làm sui với Nguyễn Tường Tiếp. 
Như vậy ba anh em nhà văn trụ cột của Tự lực văn đoàn gốc ở Thanh 
Hóa rồi Quảng Nam nhưng đều sinh ra tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Sau 
này ba người đi học ở Hà Nội, làm báo viết văn ở Hà Nội nhưng mỗi cuối 
tuần cùng với các văn hữu khác về Cẩm Giàng sinh hoạt. Lúc các thành 
viên Tự lực văn đoàn về sinh hoạt mỗi cuối tuần thì ở đây đã hình thành 
một khu vục gọi là Trại Cẩm Giàng do mẹ của ba anh em nhà văn Nguyễn Tường xây dựng. Theo hồi ký Tháng Ngày Qua của Nguyễn Tường 
Nhung (Nhà xuất bản Thạch Ngữ, 2021), trại rộng 2 mẫu tây, nguyên là 
miếng đất do một người chịu nợ bà Sâm đã nhường lại để trừ vào nợ. Bà 
dựng nhà gạch, nhà ngang, làm vườn hoa, trồng cây bằng tiền giúp đỡ 
của người con cả và của bên họ Lê của bà ở Huế. Sau 1954 bà di cư vào 
Nam và mất ở Saigon năm 1961.
Sau khi du học ở Pháp về (năm 1930), Nhất Linh muốn dùng văn chương 
báo chí để nâng cao dân trí, cải cách xã hội. Ông cho rằng người Việt 
Nam bị đô hộ một phần vì đa số thất học, tục lệ hủ lậu, mê tín dị đoan nên phải nâng cao dân trí, làm cho người dân dần dần chuyển sang lối sống 
mới. Năm 1932, Nhất Linh được người bạn nhường lại tờ báo Phong 
Hóa, số đầu tiên do Nhất Linh làm chủ bút ra ngày 22/9/1932. Nửa năm 
sau, tháng 3 năm 1933, Nhất Linh nhận thấy cần mở rộng và duy trì lâu 
dài hoạt động văn chương, báo chí nên lập ra Tự lực văn đoàn, lúc đầu 
có 4 người là ba anh em Nguyễn Tường và Khái Hưng (1896-1947). Sau 
có thêm Thế Lữ (1907-1989), Xuân Diệu (1916-1985) và Tú Mỡ (1900-1976). Khoảng 2 năm sau, Nhất Linh cho ra tiếp tờ Ngày Nay (số 
đầu ra ngày 30/1/1935, từ số thứ hai chủ bút chuyển từ Nhất Linh sang 
Thạch Lam). Đến năm 1936 tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì đã đăng hàng 
loạt bài phê phán mạnh mẽ chính quyền đương thời. Tờ Ngày Nay hoạt 
động thêm vài năm nữa rồi cũng bị đóng cửa. Tự lực văn đoàn tiếp tục 
hoạt động đến khoảng năm 1942, khi Thạch Lam mất và Nhất Linh, 
Hoàng Đạo, Khái Hưng chuyển sang hoạt động chính trị.
Chiều ngày 22/2/2024 tôi và nhà báo Phúc Tiến có đến thăm địa chỉ 80 
Quan Thánh (Hà Nội), nơi đặt tòa soạn báo Phong Hóa và Ngày Nay. Qua bao lần thay đổi, chỗ này hiện nay trở thành một chung cư, không còn 
dấu vết của Tự lực văn đoàn nhưng đến đây vẫn có cảm xúc liên tưởng 
một thời hoạt động báo chí và văn chương của Nhất Linh và các bạn ông 
khoảng 90 năm trước. Sau đó chúng tôi tới thăm số 15 Hàng Bè, nơi đây 
bà Phạm Thị Nguyên, vợ Nhất Linh, mở cửa hàng buôn bán nuôi con 
trong thập niên 1940, khi chồng lưu vong ở Hồng Kông. Năm 1949 Nhất 
Linh về nước và tại nhà này ông đã tuyên bố không hoạt động chính trị 
nữa mà trở lại nghề viết văn. Ít lâu sau ông và gia đình di cư vào Nam.
Nhà văn, nhà báo trong Tự lực văn đoàn làm việc ở Hà Nội nhưng cuối 
tuần lên tàu hỏa về Trại Cẩm Giàng sinh hoạt, đàm đạo văn chương, bàn
 kế hoạch viết báo, viết sách. Kết quả là biến vùng đất này thành nơi hội 
tụ văn chương độc đáo được người sau quan tâm và ngưỡng mộ. Nơi 
đây cũng là vùng đất sinh ra ba anh em nhà văn Nguyễn Tường mà các 
chuyến tàu đến ga Cẩm Giàng cùng với quang cảnh sinh hoạt của người 
dân miền phụ cận đã phản ảnh trong hai truyện ngắn của Thạch Lam (Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan).
Ngày 19/2/2024 tôi từ Hà Nội đi Hải Dương để thăm Trại Cẩm Giàng, 
cách Hà Nội độ 40 cây số. Trên đường đi lòng thấy nao nao, rạo rực, đã 
từ lâu mong có dịp này bây giờ mới thực hiện được. Nhờ nhà báo Mai 
Đức Lộc (Đà Nẵng) liên lạc trước, tôi được Tổng Giám đốc Đài phát thanh Hải Dương Nguyễn Hải Bình tiếp đón và cử ba nhân viên hướng dẫn đến
 Trại Cẩm Giàng. Tại đây lại gặp được ông Trần Quang Thông, ủy viên 
Ban chấp hành Hội văn nghệ tỉnh Hải Dương và từng làm Phó Bí thư Thị 
trấn Cẩm Giàng nên được nghe kể nhiều chuyện về dấu vết Tự lực văn 
đoàn cũng như hoạt động gần đây của các giới văn nghệ sĩ liên quan việc đánh giá ý nghĩa và vị trí văn học của tổ chức này.
Thị trấn Cẩm Giàng có chiều dài gần 1 km, nằm dọc tuyến đường sắt Hà 
Nội- Hải Phòng. Ga Cẩm Giàng nằm khoảng giữa đoạn đường này. Nhiều
 người cho rằng hồn văn Tự lực văn đoàn khởi lên từ nhà ga này. Ta có 
thể tưởng tượng Nhất Linh và các bạn văn mỗi cuối tuần từ Hà Nội đến, 
cùng xuống tàu hỏa ở ga này, nối bước về ngôi nhà do chính họ xây cất 
(được gọi là Nhà Ánh Sáng) trong khuôn viên trại Cẩm Giàng. Chính nơi 
đây chắc đã nảy sinh những ý tưởng ban đầu của nhiều tác phẩm để đời. 
Tôi theo các bạn ở Đài Truyền hình Hải Dương xuống ô-tô trên con 
đường trước ga có tên Thạch Lam. Trong hồi ký Tháng Ngày Qua
Nguyễn Tường Nhung kể chuyện đã đến đây, xúc động và tự hào khi đi 
trên con đường mang tên người sinh ra mình. Tôi cũng thấy xúc động và 
vui vì lãnh đạo Hải Dương đã có quyết định sáng suốt khi đặt tên cho con 
đường này vào năm 1996.

H1
Đường Thạch Lam gần khu lưu niệm Tự lực văn đoàn  (Ảnh của tác giả, 19/2/2024)

H2
Sân ga Cẩm Giàng  (ảnh của tác giả, 19/2/2024)

H3
Ga Cẩm Giàng nhìn từ đường Thạch Lam (Ảnh của tác giả, 19/2/2024)
Từ đường Thạch Lam đi vào con đường nhỏ sẽ thấy bên trái là ga Cẩm 
Giàng, bên phải là khuôn viên Trại Cẩm Giàng cũ, trước cổng có gắn 
bảng Tự lực văn đoàn (1932-1942) mà nhiều chữ đã mờ. Lối vào bên 
trong nằm giữa hai bức tường gạch đã rêu phong. Phía bên phải, ở giữa 
có nhà gạch xây từ thập niên 1980, phía sau là khu đất nguyên là nền của một nhà ngang, do Nhất Linh xây đầu thập niên 1930, có cửa mở ra bốn 
phía gọi là Nhà Ánh Sáng. Trong nhà gạch, ở chính diện có bàn thờ và di 
ảnh các thành viên của Tự lực văn đoàn, gian bên trái có hình ảnh các 
chuyến thăm, các cuộc hội thảo của văn nghệ sĩ đến từ Hà Nội và các nơi khác. Trước nhà là cái sân nhỏ có nhiều cây khá cao như cây nhãn, cây 
cau và phía ngoài đó là ao cá.
H4
Tác giả trước cổng vào khu di tích Tự lực văn đoàn (Cẩm Giàng, 19/2/2024)

Trước bàn thờ các thành viên Tự lực văn đoàn, tôi thắp hương, tưởng 
niệm các tác giả mà hầu hết truyện dài, truyện ngắn, và thơ của họ tôi đã 
đọc lúc còn học trung học. Tự lực văn đoàn có 7 hay 8 thành viên là đề tài được tranh luận nhiều năm. Những người chủ trương 7 thành viên gọi 
nhóm này là “thất tinh”, còn 8 thành viên được gọi là “bát tú”. Nguyên 
nhân có ý kiến khác nầy liên quan đến Trần Tiêu, tác giả tiểu thuyết Con 
trâu. Có người cho rằng Khái Hưng đã giới thiệu em mình (Trần Tiêu) 
tham gia Tự lực văn đoàn. Tú Mỡ, trong hồi ký Trong bếp núc Tự lực văn 
đoàn cũng khẳng định Trần Tiêu là thành viên.3 Nhưng cuộc hội thảo của 
các nhà nghiên cứu văn học vào năm 2008 đã khẳng định Trần Tiêu 
không phải là thành viên của tổ chức này. Bàn thờ Tự lực văn đoàn được 
tập thể giảng viên trường Sư phạm Vĩnh Phúc lập năm 2014 nhưng di 
ảnh và tên tuổi của các thành viên Tự lực văn đoàn được ông Trần Quang Thông (nói trên) sưu tập và treo trên tường phía trong bàn thờ (từ năm 
2007). Ông Thông tin là Tự lực văn đoàn có “bát tú” nên đưa thêm ảnh 
Trần Tiêu. Sau hội thảo 2008 nói trên, nhiều người đề nghị ông rút ảnh 
Trần Tiêu xuống, nhưng ông vẫn giữ lại tên tuổi Trần Tiêu, ngầm ý nói là 
vấn đề còn đang tiếp tục tranh luận.
H5
Trên tường phía trong bàn thờ các nhà văn Tự lực văn đoàn.
Về Trần Tiêu, vẫn còn tranh cãi là thành viên nhóm này hay không (xem 
chi tiết trong bài)
(Hình của tác giả, Cẩm Giàng 19/2/2024)
Thắp hương và nhìn di ảnh các nhà văn Tự lực văn đoàn tôi xúc động hồi
 tưởng những ngày học bậc trung học đệ nhất cấp (Cấp II bây giờ). Mấy 
năm đó hầu như tôi đã đọc hết các tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng 
và Thạch Lam. Năm tôi học Đệ lục (lớp 7 bây giờ), cả hai lớp Đệ lục A và 
B cùng học văn với một thầy giáo. Thầy cho lớp A sang thuyết trình ở lớp 
B và ngươc lại về một cuốn tiểu thuyết tự chọn trong số các sách của Tự 
lực văn đoàn. Tôi còn nhớ các buổi tranh luận sôi nổi về Đoạn tuyệt, về 
Nửa chừng xuân, v.v.
Về Nhất Linh, tôi thích nhất hai cuốn Đôi bạn và Đoạn tuyệt. Bây giờ vẫn 
còn nhớ một đoạn văn trong Đoạn tuyệt, trong đó Nhất Linh để cho nhân 
vật Dũng nói về lòng yêu nước: “Chiều hôm ấy, Dũng như cảm thấy tâm 
hồn của đất nước, mà biểu hiện cho đất nước ấy không phải là những 
bậc vua chúa danh nhân, chính là đám dân hèn không tên không tuổi. 
Dân là nước. Yêu nước chính là chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân”. Đây là định nghĩa về lòng yêu nước rất hay, rất
 thiết thực. Hồi đó tôi đã ngưỡng mộ Nhất Linh không những về văn tài 
mà còn về những tư tưởng ông gói ghém trong tiểu thuyết. Hôm nay, từ 
nhà kỷ niệm Tự lực văn đoàn nhìn qua của sổ phía sau là khu đất trước 
đây có Nhà Ánh Sáng, nơi các nhà văn ăn ở và sinh hoạt văn chương mỗi cuối tuần, tôi lại thán phục tư tưởng vì dân nghèo của Nhất Linh. Theo lời 
kể của ông Trần Quang Thông nói trên, Nhất Linh đã phát động mang ánh sáng đến cho người nghèo, thuyết phục họ có lối sống lành mạnh, vệ 
sinh, bỏ hủ tục, mê tín dị đoan, v.v.. Để thực hiện phương châm này, Nhất 
Linh tuyên truyền qua báo chí như đã nói, nhưng ở đây còn xây dựng Nhà Ánh Sáng bằng vật liệu đơn giản lấy ở địa phương nhưng được xây thành nhà ở thoáng mát, đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Một ngôi nhà như thế ở miền 
quê có tính biểu tượng kêu gọi người dân theo lối sống mới.
Năm 1963, khi Nhất Linh uống thuốc độc tự tử để phản đối chính quyền 
Ngô Đình Diệm sắp kết án ông, trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn, Quảng Nam) nơi tôi đang học có tổ chức lễ truy điệu tại sân trường. 
Thầy giáo văn đọc bài văn truy điệu rất hay, trong đó có một đoạn dài 
dùng tên các tác phẩm của Nhất Linh để kết thành một bài thơ ca ngợi sự nghiệp của ông. Rất tiếc tôi nghe một lần lúc đó, chỉ nhớ vài câu nhưng 
không đầy đủ. Sau này gặp lại thầy cũ đang sống ở Saigon, tôi có hỏi 
nhưng thầy bảo bài thơ do một người khác sáng tác nên thầy không nhớ. 
Rất tiếc. Trong buổi lễ truy điệu Nhất Linh ngày 5/1/1964 tại Saigon, thi sĩ 
Vũ Hoàng Chương đọc bài ai điếu trong đó có hai câu đối gói ghém phần 
lớn tên các tiểu thuyết của Nhất Linh: 
Người quay tơ đôi bạn tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt?
Đời mưa gió lạnh lùng bướm trắng, buổi chiều vàng đâu nhỉ nắng thu?
(Trừ các chữ “chứ sao, đâu nhỉ”, tất cả là tên các tác phẩm của Nhất Linh, kể cả tập truyện ngắn Anh phải sống viết chung với Khái Hưng)
Về Khái Hưng, tôi nhớ đã nhiều lần rơi nước mắt khi đọcHồn bướm mơ 
tiên và Nửa chừng xuân có lẽ vì nhiều tình tiết gây xúc động trong lòng 
tuổi trẻ vốn đa cảm. Khái Hưng viết rất nhiều. Hồi đó tôi đọc được một bài văn, hình như tác giả là Tú Gầy (chắc có quan hệ họ hàng hay bè bạn với Tú Mỡ), đã dùng tên các tác phẩm của Khái Hưng (kể cả các tiểu thuyết 
viết chung với Nhất Linh) để nói lời thương tiếc sau khi biết ông không 
còn nữa: “Ai cũng đinh ninh rằng Anh phải sống để nghe Tiếng suối reo,
để nhìn Gánh hàng hoa hay Đời mưa gió. Nhưng không ngờ Khái Hưng 
đã Nửa chừng xuân một phen Trống mái bên Dọc đường gió bụi. Vợ con 
anh, Gia đình anh vẫn Hồn bướm mơ tiên để đợi chờ người Tiêu sơn 
tráng sĩ. Nhưng người tráng sĩ đó không bao giờ trở lại vớiGia đình thân 
yêu nữa! …”
Thạch Lam là nhà văn sở trường với truyện ngắn. Thời trung học tôi cũng 
đã đọc Gió lạnh đầu mùa, Nắng trong vườn, Ngày mới  Hà Nội 36 phố 
phường. Ấn tượng và cảm thương nhất là những truyện mô tả cảnh 
nghèo đến cùng cực của những gia đình như Nhà mẹ Lê, hay cảnh đời 
không có lối thoát của các cô gái nông thôn trong Cô hàng xén. Các 
truyện ngắn Hai đưa trẻ và Dưới bóng hoàng lan vẽ lại cảnh sinh hoạt 
chung quanh chợ và ga Cẩm Giàng nơi tác giả và chị (Nguyễn Thị Thế) 
được mẹ giao trông cửa hàng lúc hai chị em còn rất nhỏ. Thạch Lam cũng có những truyện ngắn tả những mối tình thoáng qua bằng lối văn truyền 
cảm. Đã hơn nửa thế kỷ tôi vẫn còn thuộc câu cuối trong truyện Nắng 
trong vườn, câu nói lên ý nghĩ của nhân vật “tôi” khi hồi tưởng đến mối 
tình ngắn ngủi đối với Hậu, một thôn nữ đẹp dịu dàng, sau này gặp lại 
nhưng người yêu cũ đã có chồng: “cái tình yêu ấy biết đâu chẳng vẫn còn 
để lại trong lòng nàng một vẻ rực rỡ như ánh nắng trong vườn”.

Các tác phẩm của Tự lực văn đoàn đã ảnh hưởng sâu đậm đến tôi trong
 suốt thời niên thiếu. Bây giờ đến tận nơi các nhà văn đã sinh ra, lớn lên 
và nhất là nơi họ đã cùng đàm đạo văn chương, nghệ thuật và xã hội để 
làm nên những tác phẩm để đời, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Lần này tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi biết được người sau đã đồng cảm và đánh 
giá khách quan về Tự lực văn đoàn dù có nhiều hạn chế ban đầu. Giới 
văn chương, văn học, giáo dục đã có những hoạt động bày tỏ sự trân 
trọng đối với tổ chức nầy. Các văn nhân, nghệ sĩ, nhà phê bình văn học,
 nghiên cứu lịch sử khắp nơi đã đến Cẩm Giàng. Hôm tôi thăm Cẩm 
Giàng, tình cờ gặp một nhà thơ và một nhà văn đến từ Hải Phòng để 
thăm nơi phát tiết văn học của những văn nhân mà họ ngưỡng mộ. Đặc 
biệt chính quyền tỉnh Hải Dương đã có những quyết định sáng suốt như 
đặt tên đường Thạch Lam (1996), và những hoạt động hữu ích như tổ 
chức Hội thảo về Tự lực văn đoàn (2008), v.v.. Trong hồi ký Tháng Ngày 
Qua, bà Tường Nhung, trưởng nữ Thạch Lam, cũng nói về cảm kích của mình khi thăm lại Cẩm Giàng và được chính quyền địa phương trân trọng 
đón tiếp.
Ngay cả tại miền Bắc vào thập niên 1960 là lúc Tự lực văn đoàn bị phê 
phán nặng nề, vẫn có những câu chuyện đáng ghi lại về sự công tâm của 
những người làm văn nghệ chân chính. Trong cuốn sách đã dẫn của 
Khúc Hà Linh, một người đọc nhiều và ngưỡng mộ Tự lực văn đoàn, tác 
giả kể chuyện thời mình học trung học ở miền Bắc thập niên 1960 như 
sau: Anh được trường cử đi thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh (Hải Dương). 
Đề thi năm ấy là bình bài thơ Cô gái sông Hương của Tố Hữu. Bài của 
anh là một trong hai bài xuất sắc nhất, đồng điểm 9/10. Cuối cùng trong 
Ban Giám khảo có ý kiến nên đọc lại để xem bài nào có kiến thức phong 
phú, ngoài chương trình sách giáo khoa mà nhà trường đã dạy, để chọn 
làm giải nhất. Và bài của Khúc Hà Linh được chọn vì ngoài phân tích với 
một lối văn khuôn phép (đánh giá cao nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã 
thông cảm với thân phận của cô gái giang hồ và nhìn thấy trước tương lai
 tươi sáng sẽ đến với cô) lại có so sánh với hình ảnh cô Tuyết trong tiểu 
thuyết Đời mưa gió của Nhất Linh và Khái Hưng.
Tự lực văn đoàn chỉ hoạt động khoảng 10 năm nhưng đã để lại dấu ấn 
lớn trong văn học Việt Nam và góp phần thay đổi những quan niệm, tập 
quán lỗi thời của xã hội ta những năm đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, qua nhiều 
nhân vật trong tiểu thuyết của mình, Tự lực văn đoàn cũng góp phần hun 
đúc tinh thần nhân bản, nhân văn trong giới trẻ qua nhiều thế hệ. Đối với 
tôi, các tác phẩm của Tự lực văn đoàn còn gắn liền với những kỷ niệm 
khó quên từ thời trung học. Năm vừa qua có thêm cảm xúc mới khi đi 
thăm dấu xưa của những văn nhân làm nên hiện tượng Tự lực văn 
đoàn./. 
Tokyo, đầu xuân 2025 
Trần Văn Thọ

(Bản rút ngắn đã đăng trên số Xuân 2025 của báo Hải Dương. Đây là bản 
đầy đủ. Tác giả
cảm ơn Giáo sư văn học Huỳnh Như Phương đã đọc bản thảo và góp 
nhiều ý quan trọng.
Tác giả cũng xin cảm ơn anh Nguyễn Minh Khanh, tức Hậu Hiền, người 
dịch Hồn bướm 
mơ tiên và nhiều truyện ngắn của Tự lực văn đoàn sang tiếng Pháp, qua 
điện thư từ Paris 
đã khuyến khích tác giả viết bài nầy.)

1 Về cách viết tên của tổ chức này, đa số các tư liệu chỉ viết hoa chữ đầu 
(Tự lực văn đoàn), có tư liệu viết hoa thêm chữ Văn và có nơi viết hoa hết
 cả 4 chữ. Theo tôi thì nên viết hoa hai chữ Tự và Văn. Tuy nhiên ở đây 
tôi theo đa số, chỉ viết hoa chữ Tự (trừ trường hợp theo cách viết trong 
nguồn tham khảo). 

2 Qua câu chuyện của Nguyễn Tường Mạnh và tham khảo các sách liên 
quan, đặc biệt cuốn của Khúc Hà Linh, Anh em Nguyễn Tường Tam Nhất 
Linh ánh sáng và bóng tối, Nhà xuất bản Thanh Niên (2017) và cuốn hồi 
ký của em gái Nhất Linh là Nguyễn Thị Thế, Hồi ký gia đình Nguyễn 
Tường: Chuyện nhà của những văn nhân trụ cột Tự Lực Văn Đoàn (Nhà 
xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2021) ta biết thêm lai lịch của tổ tiên Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam.

3 Tôi chưa đọc hồi ký của Tú Mỡ nhưng giáo sư văn học Huỳnh Như 
Phương cho tác giả biết như thế khi đọc bản thảo bài viết này. Cũng theo 
anh Phương, ngoài hồi ký của Tú Mỡ, anh chưa thấy tư liệu nào nói Trần 
Tiêu là thành viên của Tự lực văn đoàn. 

Comments

Popular posts from this blog

June 30, 2024 60 Năm Sau, Phát Hiện Từ Một Gốc Cây Gây Chấn Động Nước Anh!

March 6, 2024 Việt sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn

October 28, 2023 Con chính là tất cả cuộc đời của mẹ.