July 10, 2025. Soeur RoseMarie Redding, nữ tu giúp người Việt tị nạn ở California trong nửa thế kỷ, Linh Mục Nguyễn An Ninh.
Soeur RoseMarie Redding, nữ tu giúp người Việt tị nạn ở California trong nửa thế kỷ
Linh Mục Nguyễn An Ninh
LTS: Bài viết sau đây của Linh Mục Nguyễn An Ninh, hiện đang nghỉ hưu ở Detroit, Michigan, viết về Soeur RoseMarie Redding, thuộc dòng Sisters of St. Joseph of Orange và mới qua đời. Linh Mục Nguyễn An Ninh từng là chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và là tuyên úy chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân và Phong Trào Cursillo khu Bắc Mỹ và Canada.
Soeur RoseMarie Redding thuộc dòng Sisters of St. Joseph of Orange. (Hình: Facebook Sisters of St. Joseph of Orange)
DETROIT, Michigan – Soeur RoseMarie Redding, đầu tàu kéo cả nhà dòng Sisters of St. Joseph of Orange, giúp hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người tị nạn Việt Nam những thập niên 1970, 1980, và 1990, khi họ đến định cư tại Orange County, vừa qua đời hôm 27 Tháng Sáu, hưởng thọ 97 tuổi.
Soeur qua đời sau 80 năm tận hiến trong dòng Sisters of St. Joseph of Orange và 50 năm tận tụy cho người Việt Nam.
Tôi còn nhớ, vào một ngày chan chứa nắng ấm của Tháng Sáu, 1975, tôi, lúc đó là tuyên úy của trại số 5, Camp Pendleton, California, vừa dâng lễ xong, bỗng thấy một nhóm người Việt xúm quanh mấy phụ nữ Mỹ. Một người cho biết có mấy soeur người Mỹ muốn gặp tôi. Sau đó, tôi được biết đó là Soeur RoseMarie và Soeur Carittas của dòng Sisters of St. Joseph of Orange muốn giúp người tị nạn Việt Nam.
Là những người tị nạn Cộng Sản, hớt hải rời bỏ quê hương, kẻ mất cha mẹ, người mất vợ, mất con. Tất cả chúng tôi còn đang bàng hoàng kinh hãi, bỏ lại đàng sau quê hương và người thân yêu dấu. Trước mặt là đất nước Hoa Kỳ, vừa vĩ đại, vừa là nơi bao người mơ ước, nhưng phần lớn chúng tôi chưa bao giờ dám mơ đặt chân đến đây. Mọi sự đều lạ lẫm. Ngôn ngữ không biết. Nếp sống xã hội không quen, không biết rồi ra sẽ làm gì mà sống? Chúng tôi có quá nhiều nhu cầu, mà khả năng giao tiếp quá hạn hẹp.
Các soeur muốn biết xem người Việt cần giúp gì, tôi cho biết họ cần tìm người bảo lãnh, làm sao cho con đi học, đi bệnh viện, đi bác sĩ, kiếm việc…
Các soeur cho biết sẽ trình bày với bề trên nhà dòng và cho tôi biết sau.
Một tuần sau, hai soeur trở lại, cùng với hai soeur khác, trong đó có mẹ bề trên của nhà dòng.
Sau đó, các soeur và hàng trăm giáo dân người Mỹ tại các giáo xứ Saint Callistus, Saint Boniface, Saint Columban, Saint Barbara, Saint John the Baptist, và Saint Bonaventura của Giáo Phận Orange dần dần giúp người Việt tị nạn hội nhập cuộc sống mới.
Các việc này là vận động người bảo trợ, tìm nhà ở, gồm nhiều khu apartment, các gia đình nào có thể nhận nuôi một gia đình lớn hay nhỏ, tìm người chuyên chở dân tị nạn cho các dịch vụ như đưa đón đi chợ, đi khai báo an sinh xã hội, đưa trẻ em đi học, đưa người lớn đi tìm công ăn việc làm, đi học lái xe và thi bằng lái xe, đưa các bà bầu đi khám bệnh, đưa đi nhà thương, mua bảo hiểm xe cộ…
Ngoài ra, chính Soeur RoseMarie, và nhiều soeur khác, còn dạy tiếng Anh, giúp làm bài cho các con em của hàng trăm gia đình, giúp làm bài cho cả các em sinh viên ra trường nữa, vì tiếng Anh và văn chương Mỹ là môn chính và là sở trường đặc biệt của soeur.
Một dịch vụ nữa là phần đông người Việt không biết tiếng Anh nên các soeur phải tìm người thông dịch. Việc ngôn ngữ này nhiều khi gây những ngộ nhận đến tức cười.
Cáo phó Soeur RoseMarie Redding thuộc dòng Sisters of St. Joseph of Orange. (Hình: Sisters of St. Joseph of Orange)
Câu chuyện California
Khoảng ba tuần lễ trước Giáng Sinh 1975, tôi được một cú điện thoại của Cha Nguyễn Văn Tịnh, từ San Francisco, nhờ tôi giải cứu một số khoảng 50 người đang bị chủ đồn điền trà ở California lạm dụng. Tôi ngầm điện thoại cho nhóm người này để xác nhận tin tức.
Tôi nói chuyện với Soeur RoseMarie và Soeur Carittas. Hai người trình bày với bề trên, lúc bấy giờ là Soeur Mora và Soeur Lillian. Nhà dòng cho phép các soeur cùng mấy giáo dân và tôi lái hai xe, mất khoảng 2 giờ, từ Orange lên tới vườn trà. Vào tới nơi khoảng 10 giờ khuya, chúng tôi chứng kiến cảnh sống rất thiếu thốn của họ. Chúng tôi nghe họ kể rằng cánh chủ trại bảo trợ họ lên đây, không có nhà thờ, không biết chợ búa ở đâu. Con cái nhốt trong nhà, không cho đi học. Sáng sớm có xe chở người lớn ra làm vườn trà suốt ngày. Đã hơn một tháng, họ không trả lương. Nghe nói chính phủ cho mỗi người tị nạn $700, họ giữ hết, không đưa cho đồng bạc nào. Người già, trẻ con đau ốm không có thuốc men gì. Họ còn cho du đãng đến đe dọa ban đêm, nên trong nhà phải dùng mấy cái nệm chèn cửa, sợ bị đánh đập. Biết trước tình hình, nên các soeur cũng chở lên ít chăn mền, quần áo lạnh, và thức ăn đủ cho mấy ngày, rồi hẹn năm ngày nữa, sẽ có đoàn xe lên đón. Đúng hẹn, các soeur và khoảng sáu hoặc bảy giáo dân Mỹ lái tám chiếc xe lên tới vào nửa đêm hai tuần lễ trước Giáng Sinh. Rất nhanh, thu dọn và chở hết số 51 người đưa về nhà dòng, cho ở bên Regina Residence.
Các soeur nuôi mọi người gần hai tháng trời, trước khi lo mọi thủ tục giấy tờ, tìm thuê mướn nhà cửa, mua cho mỗi gia đình một cái xe, kiếm công việc cho mọi người có thể đi làm, tìm trường học cho con cái.
Mấy ông bà già ở nhà, hết sức vui mừng tạ ơn Chúa. Các soeur đến thăm, các cụ chỉ biết chắp tay cúi đầu nói “Thank You.”
Thánh Lễ Giáng Sinh đầu tiên từ ngày rời quê hương vô cùng cảm động và hạnh phúc. Những người tị nạn Việt Nam cùng hát bài “Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời” trong nước mắt. Các soeur hỏi bài hát nghĩa là gì mà giai điệu hay thế, nhưng sao họ vừa hát lại vừa khóc? Tôi trả lời đại: “Họ vừa sung sướng vì được bầu không khí vừa đẹp, vừa ấm cúng, lại vừa được các soeur thương yêu cứu giúp, vừa nhớ nhà, nhớ những người thân không có mặt.”
Các soeur lại càng cảm động và càng thương họ hơn.
Lễ xong, các soeur cho mọi người ăn một bữa thật thịnh soạn, và tặng cho mỗi người một phần quà rất cụ thể, rất vui, và thật hạnh phúc.
Từ đó, hàng năm, cứ ngày lễ Tạ Ơn, cả nhóm người này lại vào nhà dòng, dự lễ, rồi chính họ làm tiệc đãi tất cả các soeur trong nhà dòng. Các soeur rất quý mến cái ngày biết ơn truyền thống này. Từ bấy đến nay, con cái dâu rể, thông gia sang đoàn tụ lên tới cả ngàn người. Con cái học hành, ra trường làm kỹ sư, bác sĩ, y tá, đủ mọi ngành. Họ làm ăn, mua nhà cửa, cưới xin, rửa tội, thêm sức… thay thảy họ đều nhớ đến công cứu sống của các soeur. Tôi rất tạ ơn Chúa và hãnh diện về tình quý mến và lòng biết ơn này của họ.
Họ có biết đến các soeur dòng Sisters of St. Joseph of Orange và những công việc của các soeur cho lớp các cụ ông bà của họ không? Tôi cũng không biết. Ít ra, nếu họ có cơ hội đọc những bài tường thuật như đây, hoặc có cơ hội đọc được cuốn sách Soeur RoseMarie Redding viết cho họ, thì cũng rất đáng.
Cả các soeur người Việt hiện nay ở dòng Mến Thánh Giá Los Angeles và dòng Mến thánh Giá tại Orange, lúc ban đầu, cũng từng được các soeur dòng Sisters of St. Joseph of Orange, đặc biệt là Soeur RoseMarie Redding, yêu mến và hết sức nâng đỡ.
Một điều hết sức vui mừng và vinh dự cho tôi và mọi người Việt Nam tại Nam California là có một người Việt Nam, cháu nội của ông bà Phạm Văn Ruyệt, con gái của ông bà Trần Văn Hành, còn ở trong bụng mẹ lúc ở California và những ngày tháng ở trong nhà dòng. Em đã ra đời ngày 31 Tháng Năm, 1976.
Em bé này lớn lên, được ơn Chúa gọi, gia nhập dòng Sisters of St. Joseph of Orange. Đó là Soeur Trần Thanh Thúy, một trong ba người trẻ nhất của nhà dòng, và là người chăm sóc tận tình nhất và ấm áp nhất cho Soeur RoseMarie Redding.
Tôi vừa buồn, vừa vui mừng, vì một người con Việt Nam của chính gia đình mà Soeur RoseMarie đã đích thân cứu giúp trong những ngày hoạn nạn tại California lại là người chăm sóc cho soeur những ngày cuối đời.
Sau 50 năm, các soeur tôi quen biết đều đã về với Chúa, vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Đối với tôi, Soeur RoseMarie người chị ruột. Hàng năm, mỗi lần về Orange, tôi đều đền nhà dòng dự lễ và ăn trưa với soeur, nhất là những năm Soeur Carittas còn sinh thời.
Khi nghe tin soeur lâm trọng bệnh, tôi gọi điện thoại hỏi thăm ngay. Soeur không nhận điện thoại được nữa, nhưng một soeur đang coi sóc, bắt điện thoại, nhận ra tôi. Soeur nói với Soeur RoseMarie “Father Ninh” và nói với tôi ngay “Soeur Rose Marie nghe tên Cha Ninh, đang cười tươi rói kìa.” Đó là lần cuối cùng tôi nói được lời sau hết với soeur mà tôi muôn đời quý mến tri ân.
Tôi biết Soeur RoseMarie Redding đến nay đã nửa thế kỷ. Soeur là một nữ tu học cao, thánh thiện, khiêm nhường, và đầy lòng bác ái. Soeur không bao giờ biết nói “No” với bất kỳ ai nhờ giúp đỡ. Một người hoàn toàn “self-giving” cho Chúa và cho mọi người. Soeur từng sang tận Việt Nam để giúp các soeur Việt Nam trong việc dạy tiếng Anh, và rất được mọi người Việt Nam tại Mỹ cũng như tại Việt Nam cảm phục và yêu mến.
Cùng với và thay cho hàng trăm ngàn người Việt Nam trong vùng Nam California, tôi viết bài này để cám ơn tất cả các soeur dòng Sisters of St. Joseph of Orange, cả những người còn sống và những người đang sống kiếp sống vĩnh hằng trên Thiên Quốc. Các ngài đã thương yêu và giúp đỡ người Việt Nam trong suốt 50 năm qua. Cách riêng, để ghi nhớ tấm lòng bác ái tuyệt vời, tấm gương hy sinh cao cả, và lòng trung tín vời vợi của Soeur RoseMarie Redding với Chúa, với Hội Dòng, với hàng vạn giáo dân Hoa Kỳ, và với hàng trăm ngàn người Việt Nam trong những thời gian vất vả nhất trên quê hương thứ hai này.
Bây giờ, Soeur RoseMarie Redding dấu yêu của chúng ta đã mỉm cười từ giã cuộc đời dày công nghiệp này, về hưởng sự vui mừng Chúa đã sắm cho soeur từ muôn thuở. (Đ.D.)
Comments
Post a Comment