July 8, 2025. NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH, Phương Tuấn
|
NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH
Phương Tuấn
Hôm nay, một sáng tinh mơ trong giờ suy niệm, ngồi nhìn lại đời mình để thấy mình được biết bao nhiêu ơn lành thánh.
Đó là một sáng mùa xuân của Saigon 46 năm trước, trời vẫn còn xuân, gió ban mai mát nhẹ mơn trớn da mặt. Đúng 10 ngày sau Tết Nguyên Đán, gia đình tôi lặng lẽ rời Saigon mến yêu.
Saigon mến thương của tôi, sao tôi bỏ lại sau lưng. Tôi đi thấp thỏm, lo sợ, có thể bị bắt lại, tù đày, đi trong hy vọng vượt thoát, đi trong khiếp đảm để tìm tự do, chấp nhận cái chết trên biển Đông.
Tôi bỏ lại sau lưng những thành phố tôi đã đi qua, đã sống, đã mến thương, đó là Phố Hàn, Long Xuyên, Đà Lạt, Saigon mến yêu.
Từng góc phố, từng con đường ghi dấu bước chân tôi. Mỗi con đường, mỗi kỷ niệm.
Tôi bỏ lại sau lưng con hẻm 171 Cô Bắc, nơi đây tôi đã sống những ngày đầu đến Saigon, năm cuối trung học. Hôm nay ngồi viết lại vẫn còn nhớ con hẻm nhỏ, xóm lao động ngày đó trước 30/4/1975. Những tiếng lao xao của trẻ nhỏ vui chơi trong hẻm, tiếng người gánh quà rao hàng rong trong sương sớm mỗi sáng mai, tiếng gõ lốc cốc của gánh mì gõ ban tối mời khách hàng ăn đêm đi chơi về muộn. Muôn tiếng lao xao của một Saigon thật dễ thương, sống động. Tôi nhớ từng khuôn mặt quen thuộc: bà bán xôi trước hẻm, người đàn ông cao lớn bán bún tươi. Mỗi vắt bún tươi được đựng trên một miếng lá chuối nhỏ. Ông có lẽ là một người bán hàng rong khá đặc biệt của Saigon ngày đó đã khá phồn hoa. Một người đàn ông cao lớn, ăn nói thật thà chất phác, quảy gánh bún tươi đi giữa chợ đời.
Cạnh nhà là cô học trò, láng giềng của tôi, thua tôi hai lớp nhưng học chung trường, vì vậy đi và về tôi có bạn từ năm cuối trung học đó. Nàng người Saigon chính cống, được sinh ra ngay trong lòng Saigon, dễ thương, chân chất, hiền lành, ăn nói bộc trực, có gì nói nấy, không ẩn ý, có một nói một, có hai nói hai. Khuôn mặt trái xoan, tóc uốn gợn như các cô gái Saigon khác. Thôi thì đủ chuyện trên trời dưới đất kể cho nhau nghe, chuyện học trò tuổi mộng mơ, biết bao nhiêu là mơ ước trong vắt khi chưa bước vào đời thật.
Tôi xa nàng khi vào cư xá sinh viên học tiếp các năm đại học. Sau này trở lại xóm Cô Bắc, hẻm 171 khi làm việc tại Saigon, nàng vẫn là cô láng giềng đáng yêu. Tôi xa nàng khi rời thành phố bước vào nơi gió cát, thành người vô tổ quốc khi vượt biên.
Xa Saigon tôi mang theo hình bóng cha mẹ già. Ngày đó ba tôi 74 tuổi. Mẹ thua ba chín tuổi. Hai ba mẹ cả cuộc đời tần tảo nuôi sáu người con ăn học nên người. Cha và mẹ thành công rất sớm. Bước vào đời cha chỉ có cái vốn ăn học ít ỏi, đến trường chỉ xong năm thứ nhất trung học Quốc Học, ngày đó gọi là Đệ nhất niên, rồi bỏ học vì ông bà nội tôi không đủ tiền cho ba đi học xa tận ngoài Huế. Ra đời rất sớm, ba làm việc cho một hãng tư người Pháp và mẹ mở một tiệm tạp hoá nhỏ bên bờ sông Hàn. Số tiền dành dụm đến năm 38 tuổi ba mẹ đã có đủ để xây một villa nhỏ dễ thương trên đường Marc Pourpe, sau này là đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Tôi ở với ba mẹ chẳng được bao nhiêu năm. Những ngày hè ngắn ngủi về phố Hàn thăm ba mẹ, thường được ba nhắn nhủ:
“Ba mẹ lo lắng cho các con đủ tiền ăn học. Nhiệm vụ ba mẹ nay đã xong. Sau này lớn khôn các con muốn về thăm ba mẹ và ở cùng lúc nào, nhà ba mẹ vẫn rộng mở cho các con vào, nhưng ba mẹ muốn có những ngày già thanh thản bên nhau. Tiền bạc trong ngân hàng, nhà cửa, xe cộ, ba mẹ đã lo đủ cho những năm cuối đời.”
Quả thật, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Biến cố 30/4/1975 đổ xuống Miền Nam như cơn địa chấn, như cơn sóng thần quét đi biết bao nhiêu mộng ước và thành quả của quân dân Miền Nam. Nước mất thì nhà tan. Gia đình ba mẹ cũng cùng chung số phận điêu linh của cả dân tộc. Nuôi các người con, ba mẹ cứ tưởng về già núp bóng khi yếu đuối cô đơn, nhưng không, tất cả chỉ là ảo ảnh.
Ngày tôi ra đi như trốn chạy đó, mẹ ra đầu hẻm để tiễn đưa, nhưng tội nghiệp mẹ đứng đó nhìn trời mông lung, không dám đưa tay vẫy, sợ hàng xóm biết mình đưa tiễn con đi. Tôi biết mẹ khóc, nhưng không dám lau nước mắt. Tội nghiệp!
Nhớ ngày xưa học tiểu học đã đọc một đoạn văn trong sách giáo khoa:
“Cơm nước xong rồi thầy mẹ tôi tiễn tôi ra tận bờ sông, nơi có chỗ thuyền đậu…Ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy…”
Ba mẹ không tiễn tôi ra tận bờ sông, mẹ chỉ đứng đó nhìn trời thấy lòng mình bơ vơ, tiễn con đi vào nơi gió cát mịt mùng, biển Đông dậy sóng, biết con đi có bình an, biển có êm gió có lặng, có vượt thoát được hay bị bắt lại. Mẹ van vái đất trời cho gia đình con đi bình an. Ôi lòng mẹ, con lớn khôn rồi mẹ vẫn còn mãi lo cho con.
Ngày hôm nay viết những dòng này, nhớ mẹ cha da diết. Ước mong ba mẹ vẫn còn trên thế gian này để con nói với ba mẹ một lời thương yêu. Thời gian đi lạnh lùng, mới đó mà bao nhiêu năm tháng, mới đó mà cả một đời người. Cuộc sống mỏng manh như tơ trời, có đó rồi đứt đó, để chúng ta hiểu rõ nghĩa tử sinh, chỉ một bước nhỏ chúng ta bước vào cõi tử để biết thương yêu nhau.
Ra đi tôi mang theo hình ảnh những bệnh nhân và thương bệnh binh tôi đã săn sóc mến thương biết bao nhiêu từ ngày rời trường Y Khoa.
Nếu một mai kia đến được bến bờ tự do, sẽ có rất ít dịp để săn sóc chữa bệnh cho những người cùng tiếng nói cùng màu da.
Hình ảnh những thương binh vẫn mãi trong tâm tôi. Đa số là những binh sĩ và hạ sĩ quan trở về từ chiến trận. Họ trẻ lắm, trên dưới hai mươi, ba mươi, dưới bốn mươi là cùng. Họ đã bỏ một phần thân xác và máu trên ruộng đồng quê hương để Miền Nam tôi có được 21 năm sống trong tự do và hạnh phúc. Có những anh đã hiến trọn đời mình cho quê hương. Quả thật không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu.
Ra đi tôi mang cả Miền Nam trong tâm, biết bao giờ trở lại, hay là vĩnh viễn chẳng bao giờ, dù rất thương yêu mảnh đất này.
Ra đi tôi mang theo ký ức trẻ thơ nơi quê ngoại. Quê ngoại bên kia sông Hàn, những đêm trăng sáng. Tôi cùng cô bé hàng xóm thua tôi một tuổi, nắm tay nhau chạy đuổi theo trăng. Chạy nhanh trăng chạy nhanh, chạy chậm trăng chạy chậm. Hai đứa cười nắc nẻ, hồn nhiên, thơ dại. Ôi tuổi thơ tôi bên bờ biển Mỹ Khê quê ngoại những ngày thần tiên đó nay chỉ còn trong kỷ niệm. Bé Mai nay ở đâu, chân trời góc bể nào, có còn nhớ những ngày thơ dại, mà mỗi ngày là một bài thơ.
Quê ngoại có cả rừng phi lao. Phi lao cũng thường gọi là thông nhưng không giống thông ba lá Đà Lạt. Tuổi thiếu niên, những ngày hè, tôi thường ngồi dưới một gốc phi lao già vào khoảng 2 giờ chiều, đợi cơn gió nồm từ biển khơi. Ngày hè nóng, vạn vật im lìm. Tôi ngồi đó, mắt ngó tận biển xa. Ngọn gió từ xa, thật xa, thổi từ biển vào, gió tới đâu, nước biển đổi màu tới đó, từ xanh dương biến qua màu lục. Đến khi toàn biển màu lục, ngọn gió nồm đã vào rừng phi lao, cơn gió mát dịu, và rừng phi lao ngả nghiêng theo gió, reo vui. Tôi bỗng dưng nghiệm rằng ngọn gió nồm có hồn, mang sức nóng đi và làm rừng dương lên tiếng hát. Quả thật vũ trụ xung quanh chúng ta có hồn, có sức sống, biết hát, biết ca.
Tôi ra đi mang ký ức quê ngoại cất giữ trong lòng. Ngày đó khá xa, vừa tản cư về và gia đình ba mẹ tạm trú tại nhà ông ngoai. Chưa trở lại phố Hàn được, vì nhà bên phố Hàn đã bị một bà người Việt có chồng Pháp cư ngụ. Tản cư về ai cũng nghèo, gạo còn hiếm, cơm nấu độn khoai lang khô hay đậu đen, nhưng rất thơm ngon.
Quê ngoại nghèo, nhưng giàu tình làng nghĩa xóm. Không có xà phòng nên vệ sinh rất kém, một số con nít trong làng trong đó có tôi bị nhặm mắt. Buổi sáng thức dậy, hai mắt mở không ra vì ghèn làm trít mí mắt, phải rửa nước một lúc mới mở mắt được. Mắt mở nhưng đỏ, đau, và xốn. Mẹ gọi chú Tám trong làng đến chữa mắt cho tôi. Tội nghiệp, chú ngoài 60, hiền lành ít nói. Chú bảo:
“Con ngồi xuống đây”, vậy là chú và tôi ngồi chồm hổm ngoài sân gạch nhà ông ngoại. Chú ngậm một ngụm nước muối, phun ra hết, bảo tôi mở mắt, xong chú lấy lưỡi rà hai mắt đỏ của tôi. Chú ra vườn hái một đám lá gì không rõ, có lẽ là rau diếp cá, giả nhỏ trong cối thành một đám chất nhờn xanh và đắp vào hai mắt tôi, và hai mắt mát vô cùng. Chú bảo đi nằm, khi nào thấy chất này khô thì đi rửa mắt. Chỉ sau 3 ngày hai mắt tôi trở lại bình thường, và tôi lại chạy chơi. Mẹ chỉ cảm ơn chú, không thấy chú lấy một đồng tiền thù lao nào. Ôi người thầy thuốc chuyên khoa mắt của tôi, không học qua một trường y khoa nào, nhưng đã hành nghề một cách tuyệt vời, tưởng trên trần gian này ít ai được như vậy. Chú Tám đã ra đi từ rất lâu, trở về nơi chú đáng được về, nơi những con người biết thương yêu giúp đỡ nhau mà không cần đền đáp. Cuộc sống ngày hôm nay ít có những tâm hồn sống đơn sơ và đẹp như vậy.
Ra đi tôi mang theo hình ảnh bình minh nơi quê ngoại. Tôi là thằng bé đứng đó trên nổng cát, trước bờ biển Đông. Gió mát từ khơi thổi nhẹ về. Tiếng sóng biển vỗ nhẹ…ầm… rồi lan xa, rồi lại ầm… và lan xa. Có tiếng gà gáy sáng đâu đó trong làng. Và mặt trời ló dạng, trời ửng hồng. Mặt trời trồi lên từ biển sâu, to lần, to lần, đến khi tròn hẳn và trồi lên khỏi mặt nước biển cuối chân trời, làm đỏ rực buổi sáng mai. Phía mặt trời đang lên là biến Đông với Cù lao Chàm, một hòn đảo còn sót lại của Hoàng Sa thương yêu của tổ quốc Việt Nam, khi gần như toàn bộ Hoàng Sa bị quân Tàu chiếm năm 1974, nơi anh hùng Thiếu Tá Ngụy văn Thà và một số chiến sĩ Hải Quân Việt Nam còn nằm lại khi giữ biển đảo.
Bên tay mặt tôi, xa tít tắp khoảng 10 cây số là Ngũ Hành Sơn, chạy dài bên tay trái tôi là những làng chài Tân Thái, Mân Quang đến tận chân núi khỉ hay Tiên Sa, sau lưng tôi là dòng sông Hàn, xa nữa là dãy núi Phước Tường, một nhánh của Trường Sơn Đông.
Ôi quê hương đẹp vô cùng những ngày thơ dại đó.
Nay dọc bãi biển Mỹ Khê, phố xá, buildings, resorts mọc lên, mới nhìn tưởng mình đang ở Miami hay Hawaii, nhưng sao lòng tôi vẫn thấy thương cảnh sắc nguyên sơ những ngày xưa cũ.
Tôi ra đi mang theo cả một trời quê hương thương nhớ. Con tàu vượt biên tiến ra cửa biển Cần Giờ. Ngọn núi Vũng Tàu sừng sững bên hông tàu một màu xanh lam.Từ 9 giờ sáng đến mãi 4 giờ chiều, ngọn núi mới chìm dưới nước biển mênh mông. Trong tôi giờ khắc đó buồn vui lẫn lộn. Vui vì con tàu đã ra hải phận quốc tế, có thể đã thấy một phần tự do, buồn vì có thể vĩnh viễn tôi chẳng còn thấy đất nước quê hương tôi, nơi đã nuôi tôi nửa đời người, chôn dấu biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui đầu đời. Giờ đây tôi là người vô tổ quốc.
Trạm dừng chân đầu tiên là Johor Bahru, gần Singapore, nhưng không được ở lại. Hai lần bị kéo qua hải phận Indonesia, và cuối cùng dừng chân trên một hải đảo thơ mộng xứ dừa. Ôi đất nước Indonesia với 16,000 hải đảo đẹp vô cùng. Trời xanh, biển xanh, rừng dừa xanh ngả nghiêng theo gió, nhưng lòng tôi ngày đó cô đơn, buồn phiền, dù đã thoát ra khỏi Việt Nam. Người Indonesia bảo chúng tôi:
“Bọn bây đến đây, ăn ở đây rồi chết, vì chẳng ai biết đến bọn bây đâu”.
Quả thật làm sao Uỷ Hội Quốc Tế giúp người vượt biển biết chúng tôi đến một đảo hoang sơ của Indonesia giữa đại dương mênh mông này, lẫn trong 16,000 hải đảo của Indonesia. Thật hải hùng. Đây có thể là những ngày đen tối nhất, trong túi không có một đồng, vì bị bóc lột hết trước khi xuống tàu. Hòn đảo gia đình tôi bước chân đến không có nước ngọt nên không có cư dân Indonesia. Phải chờ nước biển ròng từ 4 giờ sáng đến 10 giờ gần trưa, lội bộ qua eo biển đến đảo Letung kế bên có cư dân để mang nước suối về. Tội nghiệp, dân Indonesia nói vậy nhưng họ không bỏ chúng tôi, nhờ vậy gia đình chúng tôi sống lay lắt qua ngày cho tới 4 tháng sau Uỷ Hội cứu người vượt biển mới đến trợ giúp.
Sống với người Indonesia một thời gian tôi hiểu được lòng nhân ái của họ, họ nghèo nhưng họ không thiếu lòng thương cảm. Không phải chỉ những nước giàu có mới giúp được người khốn khổ cùng đường. Dân ở đây khá nghèo, gạo quý hiếm và có rất nhiều gia đình dùng sắn thay cơm. Họ mài củ sắn, vắt nước bỏ đi vì sắn có nhiều chất độc, vắt lại thành viên và nấu, ăn thay cơm.
Tôi chưa một lần về lại nơi đã cho gia đình tôi cư ngụ trên đất nước họ, để nói với họ một lời cảm ơn muộn màng.
Năm mươi năm đã qua, hai thế hệ trên đất nước Hoa Kỳ. Thế hệ chúng ta đã từ từ rút lui, trao ngọn đuốc lại cho thế hệ thứ hai thứ ba là con cháu chúng ta. Người Việt trên quê hương thứ hai này khoảng trên 2 triệu người là một dân tộc thiểu số so với các giống dân khác, nhưng đã làm được khá nhiều kỳ tích trong mọi lĩnh vực, từ y tế, khoa học, kỹ thuật, văn học cho đến quân sự. Chúng ta không hổ thẹn là đến đây để ăn bám xứ sở này, nhưng góp phần đáng kể làm cho Hoa Kỳ thêm giàu mạnh.
50 năm nhìn lại mình để cảm ơn đời, cảm ơn người, và cảm ơn Thượng đế đã thương lo cho tôi và gia đình dù qua bao nhiêu gian lao, đã đưa chúng tôi đến bến bờ tự do, nhận đất nước này làm quê hương thứ hai, nhưng yêu mến không khác gì quê hương Việt Nam đầu đời của tôi.
Phương Tuấn
Comments
Post a Comment